Ngày 11/7, Sở Y tế Quảng Nam đã ban hành Công văn số 1578/SYT-NVY về việc Tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn trong tình hình mới gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Y tế, tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia châu Âu liên quan đến biến thể phụ BA.4, BA.5 của biển chúng Omicron. Tại Việt Nam, dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng.
Nhiều người dân sau khi tiêm vắc xin mũi cơ bản hoặc đã từng mắc COVID-19 bắt đầu chủ quan, lơ là trong việc áp dụng các biện pháp phòng bệnh, nhất là chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vắc xin cho trẻ em.
Dự báo số mắc COVID-19 thời gian tới có thể tiếp tục tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Để chủ động phòng, chống dịch, kiên quyết không để dịch chồng dịch, Sở Y tế đề nghị các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chỉ đạo triển khai một số nội dung, cụ thể sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm những giải pháp phòng, chống dịch theo các văn bản chỉ đạo từ các cấp có thẩm quyền.
Quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải làm gương, đi đầu, tham gia tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo đạt được miễn dịch cộng đồng, bảo vệ sức khỏe trước các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 và kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Cam kết đạt kết quả ít nhất từ 90% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia tiêm chủng đầy đủ các liều vắc xin phòng COVID-19 tại cơ quan, đơn vị y tế.
Thường xuyên nắm chắc tình hình dịch bệnh, chủ động, kịp thời tham mưu và triển khai hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong mọi tình huống; chuẩn bị, đề xuất, bảo đảm nguồn thuốc điều trị COVID-19; đối với các loại thuốc thiết yếu phải có cơ số dự phòng phù hợp cho tình huống dịch bệnh diễn biến xấu. Không để bị động, lúng túng, bất ngờ khi có các biến thể mới của vi rút.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”; cảnh báo về các biến thể mới của Omicron; hướng dẫn người dân chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, đặc biệt các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả cán bộ/nhân viên tại đơn vị để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Thực hiện đúng chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế.
Đồng thời yêu cầu Trung tâm kiểm soát bệnh tật phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch trong cộng đồng. Phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur thực hiện lấy mẫu giải trình tự gen các trường hợp có biểu hiện bất thường để phát hiện sớm các biến thể mới nguy hiểm của vi rút SARS-CoV-2. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm chủng, đảm bảo tiêm chủng theo chỉ tiêu được giao; thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân; phát huy tính chủ động, gương mẫu của công nhân viên chức, người lao động trong việc tiêm vắc xin; Đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 theo từng nhóm đối tượng (người từ 18 tuổi trở lên, trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi); tiêm cho trẻ em từ 05 tuổi đến dưới 12 tuổi, đặc biệt các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp (Nam Trà My, Bắc Trà My, Núi Thành, Phú Ninh, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ, Hội An). Chỉ đạo, tổ chức các điểm tiêm chủng triển khai tiêm vắc xin hàng ngày trong tuần tại Trạm Y tế, tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh nội trú; cập nhật công khai các điểm tiêm đến người dân. Đồng thời, tổ chức các đội tiêm lưu động tại nhà cho những người gặp khó khăn trong di chuyển; phối hợp triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1, lần 2 cho công nhân, người lao động, nhà quản lý tại các cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc các Khu, Cụm cộng nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bố trí các điểm tiêm chủng tập trung, lưu động một cách khoa học, hợp lý, linh hoạt để mọi đối tượng được tiêm chủng miễn phí, kịp thời, đúng quy định. Triển khai tiêm chủng đối với số lượng vắc xin được phân bổ đợt 151, 152, 153, 154 theo các quyết định vào ngày 30/6 của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, không để hủy bỏ vắc xin, tránh lãng phí. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc công tác tiêm chủng vắc xin bảo đảm kịp thời, chất lượng, an toàn, khoa học. Hướng dẫn cụ thể đối tượng và loại vắc xin tiêm phòng COVID-19, thống nhất, dễ hiểu đối với các mũi tiêm nhắc lại, bổ sung.
Cập nhật, báo cáo liên tục tiến độ và kết quả triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế và UBND tỉnh. Thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, lồng ghép công tác chỉ đạo phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt việc phân tuyến, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong; có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị có kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế chuyển tuyến khi không cần thiết, tránh quá tải bệnh viện. Có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế, tự điều tiết giường bệnh phù hợp giữa các khoa phòng để đảm bảo giường điều trị nội trú cho bệnh nhân trong quá trình điều trị, hỗ trợ công tác phòng chống dịch, điều trị khi số lượng tăng cao. Các cơ sở điều trị tăng cường công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 theo Chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir trong điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19; Trường hợp cơ sở điều trị có nhu cầu bổ sung thuốc Molnupiravir để sử dụng trong chương trình, Sở Y tế sẽ điều chuyển thuốc theo đề xuất của đơn vị.