Thời kỳ phong kiến, đất nước ta chìm trong những ràng buộc lễ giáo phong kiến khắc nghiệt. Và vô hình chung, số phận của người phụ nữ cũng không thể nào vượt ra khỏi ranh giới của hoàn cảnh xã hội. Trong thơ ca họ hiện lên là những kiếp người nhỏ nhoi, bất hạnh. Một nàng Kiều tài sắc vẹn toàn mà cuộc đời lênh đênh suốt 15 năm lưu lạc, một Hồ Xuân Hương khát khao hạnh phúc mãnh liệt mà trọn đời ngao ngán bởi phận làm lẻ, kiếp chồng chung… Trên thi đàn Việt Nam lúc ấy, còn biết bao người phụ nữ cũng cùng số phận như vậy khiến Nguyễn Du – Đại thi hào dân tộc phải đau đớn mà buộc lên:
“ Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung” .
Hai câu thơ cất lên trong hoàn cảnh mà con người bị cương tỏa trong vòng lễ giáo phong kiến khắc nghiệt, của những “Tam tòng, tứ đức” …người phụ nữ càng đẹp càng tài thì càng lắm bất hạnh khổ đau, nên câu thơ của cụ Nguyễn Du chính là khúc “ bạc mệnh” tấu lên cho mọi kiếp hồng nhan.
Năm tháng qua đi, trôi theo dòng lịch sử cùng với sự vận động tích cực của con người, đất nước Việt Nam cũng dần đổi thay theo xu hướng chung của nhân loại. Khi đất nước bước vào thế kỷ đầy biến động – thế kỉ XX bộ mặt xã hội mất dần cái khắc nghiệt của trăm năm trước. Hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong thơ ca của giai đoạn này chưa hẳn là đề tài chính nhưng ít nhiều đã thấp thoáng những bóng hình tươi đẹp trong phong trào thơ mới. Chẳng còn là tiếng kêu thổn thức, cũng chẳng nghe tiếng khóc nấc lòng …Người phụ nữ hiện lên trong thơ ca với vẻ đẹp giản dị, với lo toan đời thường, như hình ảnh người mẹ trong thơ Lưu Trọng Lư:
“Nét cười đen nhánh sau tay áo.
Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”
Càng không thể quên một nét đẹp dịu dàng, đằm thắm của người mẹ trong bài thơ “Đường về quê mẹ” của Đoàn Văn Cừ:
“Khuyên vành áo thắm, áo the nâu”.
Và tiêu biểu hơn cả ta thấy hình ảnh người mẹ thôn quê được hiện lên một cách chân thực trong thơ Nguyễn Bính với nét đẹp người mẹ Việt Nam truyền thống tảo tần, đảm đang, giàu lòng yêu thương và đức hi sinh. Ai như mẹ trong ngày Tết biết lo toan, vun vén như thế này?
“ Giết lợn đồ xôi, lại giết gà
Cỗ bàn xong cả từ hôm qua
Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức
Lẫm nhẫm cầu kinh Đức chúa Bà”
( Tết của mẹ Tôi – Nguyễn Bính).
Vậy là hơn một trăm năm sau, hình ảnh của người phụ nữ trong văn học dưới ngòi bút của các nhà thơ có cách nhìn nhận khác nhau. Ít nghe tiếng than thân trách phận, những lời than thở buồn đau…Người phụ nữ Việt Nam trong dòng thơ ca 1930-1945 trở về với nét đẹp giản dị đời thường với những công việc hằng ngày của nữ giới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng bùng lên, kháng chiến thành công, trong ánh nắng vàng Ba Đình lịch sử ( 2/9/1945) Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được khai sinh, hơn bao giờ hết hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên với vẻ đẹp tuyệt vời, vẻ đẹp của những con người thoát khỏi vòng nô lệ vươn lên làm chủ: làm chủ bản thân, làm chủ đất nước hòa mình vào cuộc sống của xã hội, cùng bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương, xứ sở.
Sẵn sàng sánh vai cùng nam giới bước vào con đường chiến đấu giải phóng đất nước, đó là những cô gái xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn, rất nhỏ bé nhưng vô cùng hiên ngang, bất khuất trong thơ Nguyễn Đình Thi “ Em đứng bên đường như quê hương/ Vai áo bạc quàng súng trường” ( Lá đỏ), đó còn là những cô gái Nam bộ “dịu dàng như những nàng tiên”, là “những cô du kích giao liên” của chốn quê hương gian khổ nhưng anh hùng, trong “ Trở về quê nội” của nhà thơ Lê Anh Xuân...tất cả đều hiện lên một vẻ đẹp trân trọng bởi người phụ nữ đã mang trong mình hồn thiêng của sông nước, những hình ảnh đó khác biệt với người phụ nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhà thơ Huy Cận một nhà thơ lớn của đất nước đã xem phụ nữ là ánh nắng vàng: “ Chị em ta toả nắng vàng lịch sử/Nắng cho đời nên nắng cũng cho thơ”. Nhà thơ như hoá thân vào người phụ nữ để tự hào mà nhủ thầm rằng: Trong cuộc sống hôm nay, người phụ nữ là một phần của lịch sử, họ tạo nắng ấm cho nhân gian và tạo nắng cho thơ- nghĩa là họ đã làm đẹp cho đời, họ cũng là một cảm hứng mạnh dồi dào cho thi sĩ ...họ đã được thổi vào một sức mạnh mãnh liệt để làm đẹp cho đời và cho thơ là như thế.
Nằm trong dòng chảy cảm hứng bất tận ấy, thơ ca hiện đại, nghĩa là bắt đầu từ năm 1986 các nhà thơ vẫn không ngừng khám phá, thể hiện hình tượng người phụ nữ, vì sau chiến tranh trở lại với cuộc sống thanh bình trong tâm tư người phụ nữ đã có nhiều đổi thay tươi đẹp trong đó có cả khát vọng yêu thương. Vốn dĩ thơ ca là tiếng nói của tâm hồn, nên hơn bao giờ hết, thời đại tự do đã cho phép người phụ nữ nói rõ những cung bậc của lòng mình. Họ hiện lên trong thơ như con người giữa đời thường, tâm sự với ta về cuộc đời, tình yêu và lẽ sống nên chưa bao giờ ta thấy nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu tự do đến tột độ như tình yêu lại hiện lên rõ nét như trong thời kỳ này, khi đến với thơ Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Anh ...Nếu xưa kia, Hồ Xuân Hương đã từng tung hê, nhạo báng tất cả...mà rốt cục, vẫn không khỏi ngao ngán, ngậm ngùi vì muốn vùng vẩy, muốn bức phá mà không được; thì hôm nay người phụ nữ có quyền được sống đúng với cảm xúc tình yêu của mình. Với địa hạt tự do ấy đã cho phép Vi Thuỳ Linh viết lên những câu thơ kiểu như: “ Trong dữ dội em khát khao bình yên/Em muốn ngủ trong anh như rễ cây trong đất/ Em trổ nhịp mong từ căn phòng trống/ Hằn nơi em, cả mảng trời bầm tím/Em ép mình trong tiếng khóc khô”
Quả là một hơi thở khóng đạt và một tấc lòng cháy bỏng biết bao.
Có ai đó đã nói rằng:” Người phụ nữ là một nửa thế giới”. Và quả thật, họ đã đi vào những vần thơ, trang viết chảy suốt từ trước đến nay, để rồi không chỉ làm nên một nửa, mà là trọn vẹn tấm hình trong sâu thẳm tâm hồn thế hệ người đọc hôm nay và cả mai sau.
Thu Thủy