Đầu năm mua muối…

Không biết từ bao giờ câu thành ngữ “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Trước đây, tôi cũng đã nhiều lần được người lớn giải thích rằng, đầu năm mua muối để muối dưa, muối cà ăn uống tằn tiện, cuối năm có tiền mua vôi làm nhà.

Ở quê tôi, trước đây có phong tục cứ sáng mùng Một, mùng Hai Tết là có người rao bán muối. Muối được gói sẵn thành từng gói nhỏ bán với giá rất thấp nên ai mua cũng được. Người dân mình có tập quán trong ngày Ba mươi tết phải vệ sinh vườn tược, nhà cửa để đón rước ông bà. Sau lễ rước ông bà là kiểm tra, sắm sửa chuẩn bị mọi thứ trong nhà thật đầy đủ, như báo hiệu cho một năm mới đủ đầy, nguyện cầu sung túc. Đến như nước cũng “trữ” cho đầy lu, đầy ảng, đầy vại, đầy chum dùng đủ trong ba ngày tết. Huống chi “Ông trạng lấy muối làm ngon/ lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu” thì sao lại quên cho được một thứ không thể thiếu trong từng bữa ăn là muối, mà phải để đến mùng Một, mùng Hai phải đi mua? Ông tôi sau khi ngâm nga những câu cách ngôn trên đã giải thích cho tôi rõ về giá trị của muối. Ông bảo, không khí thì rất cần nhưng ở đâu cũng cần có muối và nước thì không thể thiếu. Con người cần muối cũng như cần không khí và nước. Nên thế mới có câu: “Gừng cay, muối mặn xin đừng quên nhau”. Mẹ tôi bảo rằng muối là đậm đà, là mặn mà nên mới mua muối để giữ quanh năm tình người cũng mặn mà, gia đình hòa khí. Vậy nên những ngày đầu năm mẹ tôi cũng không quên mua muối. Chẳng ai muối dưa, muối cà trong ba ngày tết cả.
Còn cuối năm mua vôi để làm gì? Ngày xưa, mỗi khi tết đến nhà ai cũng có “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trên cây nêu có một miếng vải đỏ vẽ cung tên để trừ ma quỷ. Cái hình cung tên này được vẽ bằng vôi. Nên vôi phải mua trước ngày hai mươi ba tháng Chạp, tức là trước ngày dựng nêu. Lại có người giải thích rằng vôi là để tẩy trừ tất cả những gì xấu xa, không hay, không tốt của năm qua, để đón mừng năm mới. Tú Xương từng viết: “Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo/Nhân tình trắng thế lại bôi vôi”. Bôi vôi ở đây là nói chuyện vẽ cung tên vào cuối năm và quét vôi vỉa hè, trên thân cây. Tập tục này còn giữ cách đây mươi năm. Cứ tết đến là nhiều nhà mua vôi về quét tường nhà, quét miếu, đền đình và quét cả trên các thân cây to.
Có thể “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi là thế”!

 Văn Huân

Tin liên quan