Những câu đối ngày Xuân

Đã từ rất lâu, hễ cứ những ngày Tết đến Xuân về ngoài việc sắm những món ăn ngon, bộ cánh đẹp, việc trang trí nội thất cũng được đặt vào vị trí quan trọng của mỗi gia đình; quan trọng hơn nữa là việc trang trí bàn thờ tổ tiên.


Theo quan niệm lâu đời thì chiều ba mươi Tết- ngày cuối năm, các gia đình đều tụ họp để tổ chức lễ đón (rước) ông bà, những người thân quá cố về cùng vui Tết, do vậy trong gian thờ được sửa sang, tu bổ, trên bàn thờ rực rỡ đèn hoa; mâm ngũ quả; lọ hoa tươi sắc. Vật trang trí không thể thiếu là 2 bên bàn thờ treo 2 câu đối tùy theo suy nghĩ của từng nhà. Mặc dù suy nghĩ có khác nhau, câu chữ và hình thức khác nhau nhưng hầu hết đều cùng một mục đích là mong ước năm mới mọi sự tốt lành.
Một vài câu đối được một số tiền nhân để lại như : “Thiên tăng tuế nguyệt, niên tăng thọ-Xuân mãn càng khôn, phúc mãn đường”; hoặc như việc suy nghĩ làm sao để năm mới đến không còn gặp phải khó khăn, nợ nần mà phải tự mình tìm lấy sự no đủ hạnh phúc, Nguyễn Công Trứ đã tức khẩu 2 câu đối vừa thể hiện sự khao khác sung túc vừa vui vẻ cho việc đã xóa được cái nghèo : “Chiều ba mươi nợ réo tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa- Sáng mồng một rượu say túy lúy, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà” hay thể hiện sự vui mừng chào đón tết như một sự bất ngờ của người khiếm thị: “ Tối ba mươi giơ cẳng đụng cây nêu, ủa! Tết!- Sáng mồng một lắng tai nghe lời chúc, ồ! Xuân!” cũng với hàm ý ấy, Nguyễn Công Trứ lại có câu: “Tối ba mươi nghe pháo Giao-thừa, ờ ờ Tết; Rạng mồng một vấp nêu Nguyên-đán, à à Xuân”.Và có một câu mà đã là người Việt Nam thì không ai là không biết đến, thể hiện những cái không thể thiếu trong ngày tết thời xưa: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ- cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Xin lặp lại một chút luận bàn. Trong kho tàng câu đối Việt-nam có rất nhiều câu đối Tết, vì có thể nói là ngày xưa hầu hết các thi nhân, học giả, nho sĩ, quan chức đều có làm câu đối không nhiều thì ít. Chỉ có điều đáng tiếc là vì nhiều nguyên nhân, ngày nay chúng ta chỉ còn có được một số ít câu đối Tết của một vài thi nhân, như bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Phạm Thái ( tức Chiêu Lỳ) , Tản Đà ( tức Nguyễn Khắc Hiếu ), Tú Xương ( tức Trần Tế Xương ), v.v. Hầu hết các câu đối đều ngắn gọn từ 4 đến 14 chữ, có vần dễ nhớ thấm sâu trong tâm trí của người đọc. Nhưng có một câu đối dài đến 124 chữ mà có lẽ ít ai thuộc lòng được và cũng ít người biết đến ( theo chủ quan cuả tác giả). Đó là câu đối của Phạm Thái: “Xuân mới gọi là Xuân, Xuân thiều quang thục úc, Xuân xướng mậu huyên hòa, ai chẳng mong Xuân mãi để vui đời, kìa xem nơi kia đình, nơi nọ đáo, nơi ấy điếm đua cờ người, kéo hội, bắt chạch, gieo đu, Xuân năm ngoái vui lắm, năm nay lại vui ghê, muốn Xuân mãi để nhẩn nha ngày tháng Bụt - Tuổi cũng thì là tuổi, tuổi phú quí vinh hoa, tuổi công danh sự nghiệp, ai chẳng muốn tuổi dài cho sướng kiếp, nhưng mà ngày nay cờ, ngày mai bạc, ngày kia chè rượu, quay đất, bài phu, tổ tôm, xóc đĩa, tuổi ngày trước dại vừa, ngày rày còn dại mãi, nhiều tuổi chi cho tổn ải nước non Trời.” Tuy câu có dài nhưng không gây chán vì từng câu chữ làm nên 2 bức tranh đối nhau, thể hiện sự tốt đẹp vui vẽ rộn ràng của ngày tết và ngược lại. Đây chỉ là một vài trong số hàng trăm câu đối được nhiều người làm ra để chúc nhau ngày Tết.
Không chỉ để chúc nhau ngày tết mà trong sâu thẳm các câu đối còn mang ý nghĩa sâu xa hơn là khuyên dạy con người sống đẹp, biết ước mơ, có nhiều hoài bảo và luôn luôn hướng tới chân, thiện, mỹ. Ai có được sự tốt lành thì luôn gìn giữ, ai chưa có thì cố mà phấn đấu thực hiện để sang năm đem lại cuộc sống gia đình “ấm no, bình đằng, tiến bộ hạnh phúc”… Còn riêng Xuân mới năm nay người viết bài này xin được bắt chước người xưa có vài câu đối tết: “ Tiễn Quý Tỵ, quê hương ba mươi tám năm luôn ngập tràn hương Tết – Đón Giáp Ngọ, Núi Thành một vạn chín trăm ngày rực rỡ sắc Xuân”.

Văn Lý


Tin liên quan