Phổ biến và thường được ăn nhất là rau lang và rau muống. Hết luộc đến kho, hết kho lại luộc. Ai siêng thỉnh thoảng ra sông xúc được mớ hến, nhất là hến mùa gió Nam ngọt lừ, thì bữa canh rau muống sẽ thêm phần ngọt. Nhưng ăn riết mỗi hai thứ rau ấy thì cũng ngán, thế là phải tìm rau khác. Đầu năm, khoảng tháng giêng, khi bí đỏ bò phủ kín đất, bữa ăn hằng ngày có món rau bông bí luộc hay ngọn bí trộn muối mè. Sang hè, khi trời bắt đầu có mưa giông, đồng đất chỗ nào cũng mọc đầy rau sam, rau hến, rau dền đất (có nơi còn gọi là dền cứt gà). Rau sam, rau hến hơi nhớt, sau khi nấu lên thường mất hết màu xanh, nhưng mát, nhuận trường, lại không kén chọn đồ nêm. Rau dền đất cũng dễ tính, có vị hơi bùi, luộc kho đều được, nếu nấu canh hến thì ngon tuyệt, cứ sau mỗi trận mưa giông là rộng lòng đãi người bằng một mớ nhánh non mập mạp.
Ở các vùng bãi bồi ven sông Thu Bồn, Vu Gia, nơi người ta trồng ớt rất nhiều, mùa này, ngọn ớt cũng trở thành thứ rau ngon và lạ. Thường thì người ta hay luộc. Còn nếu bắt được ít cá đồng, nấu ngay một nồi canh ngọn ớt thì không gì ngon bằng... Cuối hè đầu thu, mấy thứ rau mọc theo mưa giông như dền đất, rau sam, rau hến lụi hết vào đất. Trên các vồng khoai, luống sắn lúc này nhiều nhất là rau hôi, hay còn gọi là cỏ hôi. Tên là vậy nhưng thứ cỏ này không hôi chút nào. Ra vườn, chọn đám nào non nhất, đếm từ ngọn xuống đến khoảng mắt lá thứ ba thì ngắt ngang, vò cho rụng bớt lông, rửa sạch đem luộc là có ngay đĩa rau xanh mướt, vừa thơm vừa bùi, lạ miệng. Ở các vùng quê bán sơn địa, mùa này người ta còn hay ăn rau dớn. Thứ rau thuộc họ dương xỉ này được mệnh danh là rau siêu sạch, vì nó chỉ sống ở nơi có môi trường thuần khiết: thường mọc ở nơi có bóng râm, nền đất ẩm ven các khe nước trong... Sang đông, những thứ rau không có tên chính thức trong "rau bạ" kia hầu như không còn. Nhưng người dân quê nghèo vẫn tìm ra được một thứ rau khác để làm giàu thêm tên gọi của tảo tần: lá sắn non. Tất nhiên, để có thể luộc lên ăn được, không có vị đắng và không bị say thì phải lấy lá "sắn ta" chứ không phải sắn lùn cao sản...
Phải ăn rau để chống đói thì đúng là cơ khổ. Và, phải ăn cả những thứ rau "ngoài danh mục" thì càng cơ khổ hơn. Nhưng rồi, cuộc sống vẫn cứ tuyệt diệu đến không ngờ: chính nhờ những ngọn rau tảo tần ấy, bao thế hệ đã lớn lên; ý chí chống đói nghèo được rèn giũa kỹ. Để rồi, mỗi lần ngoảnh nhìn ngày xưa, họ thấy yêu quê hơn, thấy tự hào hơn với gốc gác quê mùa rau cháo của mình...
(BẢO ANH_Báo Quảng Nam)