Hát Bả Trạo còn gọi là: “Chèo bả trạo, Hò đưa linh, Hò hầu linh” là một loại dân ca nghi lễ của cư dân ven biển . Hát Bả trạo có nghĩa là hát có kèm theo động tác múa (bả có nghĩa là nắm chắc, trạo là mái chèo). Đây là một loại múa hát dân gian được tổ chức theo tục lệ hàng năm nhân dịp lễ tế cá ông (Hoặc lễ nghinh ông), còn được trình diễn nhân dịp đưa tang cá ông (cá voi) và trong các lễ hội cầu mùa của ngư dân. Còn Chèo ở đây không phải là điệu hát chèo của Đất Bắc mà là động tác " chèo nghe, chèo thuyền". Vào thời Chúa Mạc Phúc Nguyên, Tiến sĩ Sùng Nham Hầu Dương Văn Tịnh ghi trong sách " Ô Châu Cận Lục" như sau: "...Có một địa phương mùa xuân mở hội đua thuyền, lụa là thướt tha; mùa hè mở hội Tàng cưu trong chay, ngoài bội hát múa rùm beng ... đưa đám ma thì hát múa trước linh cửu gọi là hát linh... thậm chí nội trường hát múa canh khuya, hồ giục rồi mà cứ rồi rục để mua vui..." . Căn cứ theo các tài liệu sử sách thì " Chèo bả trạo" có trước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong khai khẩn, mở đất. Có thể văn hoá này gắn liền với tín ngưỡng ngư dân miền duyên hải Trung bộ và tín ngưỡng thờ Cá Voi chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hoá Cham Pa.
"Trong chay, ngoài bội" nghĩa là: Trong thì tế lễ, ngoài thì hát bội. Chèo bả trạo là nghi thức tế lễ - vừa diễn, vừa xướng. Đội chèo bả trạo ( chèo đưa linh làm chay) được xếp theo hình chiếc ghe các tay chèo vừa chèo nhịp nhàng vừa hát xướng lên - Một người " cầm chịch" dẫn xướng câu hát: dô hò ...Nội dung nghi lễ là những lời cầu khẩn mong mưa thuận - gió hoà quốc thái - dân an, biển lặng được mùa... Tục thờ Cá Voi - đối với ngư dân là một tín ngưỡng mang tính văn hoá dân gian. Theo quan niệm ngư dân vùng nầy: Cá Ông ( Cá Voi) là thần thánh che chở cho ghe thuyền khi bị bão tố ngoài khơi. Ghe thuyền dựa vào sự chở che của Cá Voi mà thoát được nạn. Do đó, khi phát hiện ra Cá Voi bị chết giạt vào bờ, người dân làm lễ cúng rất linh đình và chôn cất hẳn hoi - có nơi dành một khu đất rộng kề bên bãi biển để làm nghĩa địa Cá Ông, như nghĩa địa Cá ông ở xã miền biển Tam Hải- Núi Thành , Quảng Nam có đến gần 500 mộ.
Hằng năm vào dịp đầu xuân, nhân dân tổ chức đua thuyền, lễ hội Nghinh Ông rất lớn, rất đông vui nhộn nhịp. Sau khi đội chèo bả trạo diễn xong phần nghi lễ (đưa linh) đội thuyền chuyển sang tham gia hát bội trên bờ ( còn gọi là hát bội) với tư cách là trò diễn dân gian. Nội dung của các trò diễn thường tả cảnh sinh hoạt của ngư dân, các động tác lao động đánh bắt hải sản như: kéo lưới, thả lưới,chèo thuyền, câu cá, gõ nhịp lùa cá...Một trong những lời ca kèm theo đó là: "... Non xanh nước biếc ngàn trùng- Đờn reo, nước chảy , trống thùng, sóng xao- sóng xao- Lao đao nào ngại - bạn đồng lòng thời lái giỏi giang- Rối tơ phải gỡ cho rồi - Nước săn , dây thẳng lần hồi mà phăng- Mà phăng, phải răng chịu vậy..." . Lời hát xướng lên theo thể thơ song thất lục bát, như cách diễn nôm, hai chữ cuối câu lục bát , thường được lấy lại làm đề cho câu song thất" và cứ thế , những sự kiện hoạt động , cảnh vật , con ngưòi lần lượt hiện ra theo câu hò của đội chèo bả trạo...
Hát bả trạo, không chỉ là nghi lễ ( làm chay, đưa linh) mà được bước ra đời qua các trò diễn xướng cùng với lễ hội đua ghe, cùng với sinh hoạt dân gian như trò chơi.. Ngày nay, bên cạnh nhiều hình thức sinh hoạt phong phú và mới lạ xuất hiện , nhưng với ngư dân miền duyên hải trung bộ các đội chèo bả trạo của các làng cá vẫn được duy trì và phát triển . Chèo bả trạo, hát bội, bài chòi là những tinh hoa quí giá của kho tàng văn hoá dân gian miền biển. Nó luôn luôn gắn liền với sinh hoạt truyền thống của ngư dân và đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Gắn với tâm linh, tinh thần của ngư dân và biển cả.
Mỗi độ xuân về, nếu có dịp mời các bạn về thăm Núi Thành, Quảng Nam đúng vào dịp lễ Nghinh Ông, để nghe điệu hò bả trạo, xem đua ghe, lắc thúng và hôm nay còn có thêm môn bóng chuyền bãi biển - đó là sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại; chúng quyện vào nhau cùng với năm tháng chảy theo nhịp sống của người dân miền biển.
Đội hát bả trạo của trường THCS Trần Quý Cáp ( Tam Hải)
Lê Văn Huân