Nhân kỷ niệm 73 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh 15-5/1941 15 – 5/ 2014: Bác Hồ với 5 điều Bác dạy thiếu niên, nhi đồng

Giáo dục thiếu niên, nhi đồng là một sự nghiệp cách mạng vô cùng quan trọng, là trách nhiệm vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân trong đó Bác Hồ là người tiêu biểu nhất.

 Ngay từ khi chưa thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bác rất quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thiếu niên, nhi đồng - một lớp người mới cho đất nước, cho dân tộc, trong thư Bác gửi Uỷ ban trung ương Đội Thiếu niên tiền phong Liên Xô ngày 22- 7- 1926 có đoạn “Chúng tôi có tại đây ( Quảng Châu - Trung Quốc ) một nhóm thiếu niên Việt Nam. Các em từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức và ở đó mọi việc giáo dục điều bị cấm. Các em đã để cha mẹ ở nhà cách hàng nghìn ki-lô- mét để bí mật đến Trung Quốc. Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em bỏ nhà đi ra nước ngoài, như những người cách mạng. Lúc chúng tôi nói với các em về cách mạng Nga, về Lê - nin và về các bạn những chiến sĩ Lê - nin - nít nhỏ tuổi thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn học tập với các bạn và để trở thành như các bạn - những chiến sĩ Lê - nin - nít nhỏ tuổi”
Khi cách mạng Tháng Tám thành công, sự quan tâm giáo dục của Bác đối với thiếu niên nhi đồng lại càng thường xuyên, sâu sắc ...Nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, ngày hội, ngày Tết Trung thu ...Bác lại viết thư gửi cho các cháu thiếu niên nhi đồng, đều quán triệt tinh thần thiếu niên nhi đồng phải yêu nước, yêu đồng bào, chăm học, chăm lao động, đoàn kết tốt..."
Do đòi hỏi của công tác giáo dục, Đoàn Thanh niên và Bộ Giáo dục muốn có những điều cụ thể để bồi dưỡng cho thiếu niên, nhi đồng. Do đó, có trường đã đề ra 21, 22 điều Quy định đối với thiếu nhi, như : 3 nên, 2 chống, 4 tốt, 4 hăng, 4 trẻ...

Bác Hồ đeo khăn quàng đỏ cho đội viên
Ngày 19 tháng 4 năm 1960, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam có chỉ thị về việc kỉ niệm ngày 15 - 5 và thực hiện 10 điều ghi nhớ cho thiếu niên " ngày 13 tháng 10 năm 1060, Bộ trưởng Giáo dục có Công văn gửi các khu, Sở, Ty Giáo dục về việc thực hiện 10 Điều ghi nhớ của đội viên thiếu niên tiền phong trong nhà trường. Thực chất của 10 Điều ghi nhớ là dựa vào nội dung của bức thư Bác Hồ gửi thiếu, niên nhi đồng . Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục rất quan tâm đến giáo dục thiếu niên, nhi đồng theo lời dạy bảo cụ thể của Bác Hồ. Tuy vậy, với 10 điều ghi nhớ, Bác đã bảo đại ý: Sao nhiều như vậy, các cháu khó nhớ cần gọn lại. Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục sửa lại rồi trình lên Bác. Khi làm điều này anh em thấy rất khó vì nếu ngắn quá thì không nói hết được các ý mà dài quá thì các cháu khó nhớ. Cuối cùng vào tháng 4 năm 1961 Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục trình lên Bác 6 điều. Tuy vậy mỗi điều vẫn còn dài. Ngay sau đó, Bác có thư gửi thiếu niên- nhi đồng toàn quốc nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam ( 15- 5 - 1961) trong đó có đoạn:
"Các cháu cũng tham gia đấu tranh, bằng cách thực hiện mấy điều sau đây:
Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh
Thật thà dũng cảm"
5 năm sau, nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Đội ( 15- 5 - 1966) tại nhà hát lớn Hà Nội, Bác Hồ đến dự. Gặp các cháu thiếu niên , nhi đồng . Bác hỏi các cháu có nhớ 5 điều Bác dạy không . Rồi trong phần thưởng của Bác Hồ là Sổ tay phát cho học sinh giỏi, trang đầu có ảnh Bác quàng khăn đỏ cho thiếu nhi, tiếp đó ( trang sau ) là 5 điều Bác dạy nguyên văn :
Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tốt
Khiêm tốn thật thà dũng cảm"
Cuối trang còn có lời của Bác: Chống Mỹ cứu nước, ta nhất định thắng, địch nhất định thua
Như vậy 5 điều Bác Hồ dạy năm 1966 có thêm 2 từ " thật tốt" và " khiêm tốn" . Bác gải thích :" yêu đông bào tức là trong đó có yêu cha mẹ chú bác, cô, dì, ông bà, cô giáo, thầy giáo ...yêu tổ quốc có nhiều khía cạnh, trong đó có ý là phải ghét đế quốc và ghét ai chống lại tổ quốc, nhân dân ta.
Mùa hè năm 1961, từ 22/6 đến 11/7 được phép của Bác Hồ cuộc triển lãm " Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy" đã được tổ chức tại phủ Chủ tịch. Nội dung chính của cuộc triển lãm này là do tự tay các em thiếu niên làm . Đó là những bức tranh các em vẽ, quyển vở, đồ dùng học tập trực quan và các hiện vật khác do tự tay các em làm một số tượng, ảnh anh Kim Đồng, Lý Tự Trọng ... được sắp xếp trưng bày giới thiệu thành tích của thiếu nhi thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Trước ngày khai mạc, chiều 21 tháng 6 năm 1961, Bác cùng các đồng chí ở Bộ Giáo dục, Trung ương Đoàn ... kiểm tra lại sự chuẩn bị lần cuối cùng. Bác bảo phải sắp xếp lại hiện vật và tranh ảnh cho vừa tầm các cháu nhi đồng để cho các cháu có thể xem rõ và yêu cầu các bộ phận như y tế, giải khát, văn nghệ , giao thông chuẩn bị chu đáo để phục vụ cho các cháu được tốt.
Về sau các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thường căn dặn thiếu nhi ta phải luôn thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Ngày 28 tháng 7 – 1978 đồng chí Phạm Văn Đồng đến thăm các cháu thiếu nhi làm tốt công tác Trần Quốc Toản cũng căn dặn nhắc nhở các cháu có vinh dự lớn là được làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, các cháu cần nhớ và làm theo 5 điều Bác dạy. Cho mãi đến bây giờ, các Bác lãnh đạo từ trung ương đến cơ sở, các thầy cô giáo, các anh đoàn viên, đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các cha mẹ phụ huynh khi nhắc nhở, giáo dục các em ai nấy cũng đều căn dặn các cháu cố gắng chăm ngoan học tập rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy để trở thành “ con ngoan - trò giỏi - đội viên tốt- cháu ngoan Bác Hồ” .
Năm điều Bác Hồ dạy rất cô đọng. Các thầy cô giáo, các anh chị phụ trách thiếu niên - nhi đồng, các bậc cha mẹ ... cần hiểu đúng đắn, đầy đủ sâu sắc nội dung toàn diện phong phú của từng điều để hướng dẫn chỉ bảo cho học sinh thiếu niên thực hiện tốt 5 điều dạy quý báu của Bác Hồ

Văn Huân

Tin liên quan