Loại bỏ tục kiêng phong long- việc làm góp phần giữ gìn sự trong sáng của văn hóa Việt

Chẳng biết từ bao giờ, người ta tin rằng việc phụ nữ sảy thai, có thai chết lưu là “mang phong long”, phải tránh đến nhà, tránh tiếp xúc với không chỉ bản thân người phụ nữ đó mà cả gia đình họ.

Cũng chỉ vì sợ “mắc phong long”, sợ đứa trẻ không kịp thành người kia về phá phách, đem vận hạn tới cho mình mà người ta xua đuổi, không chào hỏi nhau một thời gian dài, dù là hàng xóm từng “tối lửa tắt đèn có nhau”. Và cũng vì mang mặc cảm sẽ đem xui xẻo đến cho người khác mà người “mang phong long” cứ ru rú trong nhà, chẳng dám ló mặt đi đâu.
Tôi không biết đã có bao nhiêu người “mắc phong long” gặp xui xẻo để họ phải sợ hãi đến vậy. Nhưng tôi biết có rất nhiều hệ lụy buồn từ tập tục lạc hậu này.
Người phụ nữ may mắn, sau chín tháng mười ngày mang nặng được “đẻ đau” sẽ vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc được nhân lên khi người thân, họ hàng, bạn bè đến thăm hỏi chúc mừng. Còn người phụ nữ kém may mắn, bị buộc phải đình chỉ thai kỳ vì nhiều lý do: thai không phát triển, thai bị dị dạng,... thì sẽ đau đớn đến thế nào khi vẫn “đẻ đau” nhưng phải lo ngay.... việc chôn cất bào thai. Làm sao tránh khỏi trầm cảm khi nỗi đau ấy không được sẻ chia, động viên mà còn bị xa lánh, cô lập?
Người “mang phong long” khổ đã đành, người nhà của họ cũng hệ lụy không kém. Người làm biển, phải hoãn ra khơi vì không ai cho người “mắc phong long” lên thuyền làm chung. Người làm ngành nghề khác thì may mắn hơn, vẫn có thể đi làm, nhưng đi đến đâu người ta “đốt phong long” đến đó sao tránh khỏi phiền lòng? Tội nhất là trẻ nhỏ, chúng có biết cái gì là “phong long” đâu, chúng chỉ giận dỗi, khóc lóc “bắt đền” mẹ là” “Sao mẹ mắc phong long để mẹ bạn... không cho con qua chơi”, “Sao tự nhiên bà... lại đóng cửa không cho con vào?,... Thử hỏi, nếu ở vào hoàn cảnh người mẹ đó chúng ta sẽ ra sao?
Tôi quen một vị bác sĩ chuyên khoa sản, chị kể, ở bệnh viện chị làm một ngày có đến 4 -5 ca sảy thai, hầu hết phòng bệnh này chỉ có người nhà ra vào chăm sóc, hiếm lắm mới có người đến thăm. Chị còn thắc mắc: có những thai chưa có phôi, chưa có tim mà người ta cũng sợ, chẳng biết người ta sợ cái gì? chỉ là một cái túi trống, chưa có hình hài kia mà?! Khi nghe tôi hỏi: thế bản thân chị có sợ không? Chị cười buồn: thương thì nhiều hơn em à! Ai chẳng muốn đón chào một đứa trẻ khỏe mạnh? Nhìn thấy thai nhi chưa kịp thành hình mình là bác sĩ mà còn xót xa, nói gì đến người mẹ, vậy mà...
Có thể ngày xưa, vì không muốn có những sinh linh bị bỏ từ trong bụng mẹ nên người xưa đã nghĩ ra việc kiêng “phong long”. Cũng có thể có ai đó đôi lần gặp bất trắc trùng hợp với việc tiếp xúc với người “mang phong long” nên loan ra chuyện này và trở thành một “hủ tục” kéo dài đến ngày nay.
Xã hội hiện đại, khoa học phát triển, những hủ tục lạc hậu như “tục nối dây”, tục chôn con theo mẹ khi mẹ chết,... của người dân tộc vùng núi cao đang dần được vận động xóa bỏ vậy thì tại sao những người kinh được xem là tiến bộ như chúng ta lại không thể thay đổi? Tại sao những người trẻ hôm nay không tự mình thoát ra khỏi những hủ tục mê tín, dị đoan, rồi chứng minh cho mọi người thấy “làm gì có phong long”?
Văn hóa Việt Nam là văn hóa “trọng tình”, nếu cứ giữ hủ tục này sẽ làm cho “chữ tình” vơi đi ít nhiều. Loại bỏ tục kiêng phong long, là một việc làm tích cực để góp phần giữ gìn sự trong sáng của văn hóa Việt!

Thanh Kim

Tin liên quan