Đảng bộ huyện Núi Thành- 30 năm xây dựng và phát triển

.



Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Núi Thành là một huyện chịu nhiều hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Núi Thành nhanh chóng bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh, ổn định đời sống, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Nhờ đó đến năm 1977, Núi Thành đã khắc phục hậu quả chiến tranh và chuyển sang thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc xây dựng và bảo vệ quê hương. Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân Núi Thành nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, gian khổ, cùng với nhân dân cả tỉnh, cả nước ra sức ổn định cuộc sống, tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Những thành quả trong những năm khắc phục hậu quả chiến tranh cũng như cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất có một ý nghĩa hết sức quan trọng, to lớn thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo và sự quyết tâm của Đảng bộ và sự nỗ lực vượt khó, phấn đấu vươn lên của toàn dân.
Do nhu cầu phát triển của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước nói chung và của huyện nhà nói riêng. Thực hiện Quyết định số 144-HĐBT, ngày 03/12/1983 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và Quyết định số 11-QĐ/TVTU, ngày 14/01/1984 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, huyện Tam Kỳ được tách thành hai đơn vị hành chính là: thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Ngày huyện mới chia tách, Đảng bộ huyện có 13 Đảng bộ xã, thị trấn, 31 đảng bộ, chi bộ cơ sở khối cơ quan, đơn vị, công ty, xí nghiệp với 1.438 đảng viên. Sau 30 năm, đến nay có 38 tổ chức cơ sở đảng (TCCSĐ); trong đó có 17 đảng bộ xã, thị trấn, 7 đảng bộ cơ quan, 14 chi bộ cơ sở với 3.807 đảng viên, tăng 2.369 đảng viên so với năm 1984. Qua đánh giá chất lượng TCCSĐ và đảng viên hằng năm, số TCCSĐ đạt trong sạch vững mạnh và đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng lên hằng năm, năm sau cao hơn năm trước. Năm 1984 có 12/44 chi bộ, đảng bộ cơ sở trong sạch vững mạnh (TSVM), đạt tỷ lệ 27,27%, thì đến 2012 có 33/38 đảng bộ, chi bộ cơ sở TSVM, đạt tỷ lệ 86,84%, không có chi bộ, đảng bộ cơ sở yếu kém; nhiều TCCSĐ đạt TSVM và TSVM tiêu biểu nhiều năm liền. Năm 1984 có 76,42% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì đến năm 2012 có 85,33% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Sự lớn mạnh và trưởng thành của công tác tổ chức xây dựng đảng ở Đảng bộ Núi Thành 30 năm qua đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ vượt qua những khó khăn, thử thách bước vào giai đoạn mới, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện nhà.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã - hội đạt được những thành tựu quan trọng. Dẫu biêt rằng với một huyện vừa mới chia tách, nền kinh tế có điểm xuất phát thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Núi Thành vẫn có những thuận lợi cơ bản: thế mạnh về tài nguyên, giao thông, con người, những kinh nghiệm chỉ đạo trước đây là cơ sở để Đảng bộ chỉ đạo quân và dân trong huyện giành được những thành tựu to lớn hơn nữa. Đặc biệt, từ năm 2003 được Tỉnh và Trung ương chọn Núi Thành làm thí điểm xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai - Khu kinh tế mở đầu tiên của cả nước. Điều đáng chú ý là trong lãnh đạo, Đảng bộ đã phát huy những lợi thế so sánh và tiềm năng của địa phương, nắm bắt thời cơ, đề ra những chủ trương sát đúng, kịp thời. Nhờ đó, kinh tế trên địa bàn huyện những năm gần đây không ngừng tăng trưởng. Trong hơn 15 năm qua (1997-2012), tổng giá trị sản xuất bình quân mỗi năm tăng 18,77%; gấp 13,2 lần so với năm 1997. Tổng giá trị sản xuất năm sau cao hơn năm trước; năm 2004 tăng 5,75%, năm 2006 tăng 14,74%,  năm 2010 tăng 24,85%,  năm 2012 tăng 6,13%. Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản từ năm 1997 - 2012 tăng bình quân mỗi năm 8,48%; sản lượng lương thực có hạt năm 1997 là 22.750 tấn, năm 2012 là 38.524 tấn, tăng bình quân mỗi năm 3,57%. Giá trị sản phẩm trồng trọt/ha canh tác tăng từ 8,09 triệu đồng năm 1997, lên 21,70 triệu đồng năm 2012. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,58% mỗi năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn năm 2010 đạt 386 tỷ đồng; năm 2012 là 582,41 tỷ đồng, tăng 8,2 lần so với năm 1997. Trong những năm gần đây đã vận động trên 10 ngàn hộ, giải tỏa 1.500 ha đất, tái định cư cho 1.600 hộ vào nơi ở mới; tổng số tiền bồi thường gần 1.000 tỷ đồng, thu hút hơn 10 ngàn lao động vào làm việc tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, so với năm 1999 tăng 28,5 lần.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2012, tỷ trọng giá trị công nghiệp - dịch vụ chiếm 82,54%; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% hộ dân có điện sinh hoạt, mạng lưới điện thoại được lắp đặt, phủ sóng trên toàn huyện, hiện có 24.491 thuê bao cố định, 1.900 thuê bao internet. Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt gần 20 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2011 đạt 1.620 tỷ đồng, tăng hơn 100 lần so với năm 1999. Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển trên địa bàn năm 2005-2012 đạt trên 8.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt được nhiều kết quả, năm học 1983-1984 chỉ có 19 trường mẫu giáo, 23 trường phổ thông cơ sở với 920 lớp học, cơ sở vật chất còn khó khăn thiếu thốn; có 90 phòng học còn tranh tre, 20 lớp phải học ca ba, đội ngũ giáo viên chưa đào tạo chuẩn. Tuy vậy, với quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, đến nay toàn huyện có 34/63 trường học được tầng hóa; 24 trường đạt chuẩn quốc gia, có hơn 1.500 giáo viên được đào tạo chuẩn và trên chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục. Đến năm 2012, có 43% lao động được đào tạo; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới còn 10,69%, so với năm 1997 giảm 31,3%; hoàn thành việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo. Có 120/138 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa; 17/17 trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia; hệ thống truyền thanh phủ khắp trên địa bàn.
Công tác quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự xã hội được đảm bảo, bộ máy chính quyền từ xã, thị trấn đến huyện phát huy tính hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước; công tác dân vận, hoạt động của Mặt trận, đoàn thể ngày càng được củng cố, kiện toàn vững mạnh.
Trong 30 năm qua, dưới sự lãnh đạo toàn diện và sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, từ đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng từ Huyện đến cơ sở và cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên giữ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong hệ thống chính trị và toàn dân. Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tổ chức quán triệt và học tập kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, những Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và Nhà Nước trong toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt trong những năm qua, gắn liền với việc thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW của Bộ Chính trị về Cuộc vân động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và nay là Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 16/4/2013 của Tỉnh ủy Quảng Nam, đi đôi với mở rộng dân chủ cơ sở nên khối đoàn kết trong Đảng được tăng cường, đại đoàn kết toàn dân được chú trọng, tạo được sự đồng thuận, xây dựng được ý chí thống nhất và hành động, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện, tinh thần đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng được củng cố và giữ vững, niềm tin trong quần chúng được nâng lên, tạo thành sức mạnh tổng hợp cho xây dựng và phát triển trên địa bàn huyện.
Có thể nói, Núi Thành nhìn lại cách đây 30 năm, từ công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở lúc ban đầu còn gặp không ít khó khăn; mảnh đất cát lún, bùn lầy, nông nghiệp hiệu quả thấp, đời sống nhân dân muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Song với tinh thần đoàn kết, phát huy những thành quả đạt được trước đó, tranh thủ thời cơ và thuận lợi, nên sau 30 năm đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Trong đó phải nói đến vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trên các lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế- xã hội. Đến nay, nhiều nhà máy, công xưởng, khu du lịch, khu đô thị, trong đó có những nhà máy với quy mô lớn như Khu Liên hợp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải, Nhà máy Kính nổi Chu Lai, Nhà máy sản xuất Soda, khu du lịch sinh thái Cát Vàng, khu du lịch Chu Lai Resort, Bảo tàng Chu Lai…; các dự án trong Khu Kinh tế mở Chu Lai đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh. Giá trị sản xuất công nghiệp không ngừng tăng cao và phát triển đều qua các năm, giai đoạn 2006-2012 đạt 7.276 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), trong đó năm 2012 đạt 1.900 tỷ đồng chiếm 12,9% toàn tỉnh (1.900/14.765). Tổng nộp ngân sách giai đoạn 2006-2012 của Khu kinh tế mở Chu Lai đạt 11.996 tỷ đồng chiếm 50,2% toàn tỉnh, trong đó năm 2012 đạt 3.100 tỷ đồng chiếm 55,5% so với cả tỉnh. Một vài con số vậy thôi cũng nói lên được sự phát triển mạnh mẽ của Núi Thành sau 30 năm xây dựng và phát triển, góp phần cùng với cả tỉnh, cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội như tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đề ra./.

Xuân Quang



Tin liên quan