Sinh năm 1930 tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khi mới 15 tuổi Phạm Cường Nam trốn nhà theo anh trai đi bộ đội. Gắn bó với cách mạng từ rất sớm, ông tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở nhiều địa bàn ác liệt và được rèn luyện trở thành bác sĩ quân y có tay nghề cao, đầy trách nhiệm.

Năm 1962, sau khi hoàn thành khoá đào tạo quân y sĩ, Phạm Cường Nam được điều về Tiểu đoàn 70, Tỉnh đội Quảng Nam, trong thời gian công tác tại đơn vị, với kiến thức và trình độ chuyên môn của mình, Phạm Cường Nam đã tham gia cứu chữa nhiều đồng đội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, khi cùng đồng đội trực tiếp tham gia trận đánh Núi Thành, Phạm Cường Nam vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa thương binh, vừa trực tiếp cầm súng tiêu diệt quân thù, cùng với đơn vị làm nên chiến thắng vẻ vang, trận đầu đánh Mỹ và thắng Mỹ, mở ra phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”.
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại trận đánh Núi Thành, Phạm Cường Nam được điều về công tác tại Bệnh xá 42, Tỉnh đội Quảng Nam. Theo chỉ đạo của trên, Phạm Cường Nam nhận quyết định phụ trách xây dựng một trạm quân y với mật danh X, cách đồn địch khoảng 1km. Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn, Phạm Cường Nam cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân địa phương ngụy trang bệnh xá, xây dựng mạng lưới bảo vệ an toàn tuyệt đối. Có lần, khi quân địch bất ngờ lùng sục chỉ cách bệnh xá chừng 50 mét, ông vẫn bình tĩnh thực hiện ca mổ nguy hiểm cứu sống thương binh Hoàng Đức Hiếu, thậm chí truyền cả máu của mình cho bệnh nhân ngay bên tiếng súng rền vang.

Nhiều thương binh nặng khác như đồng chí Ngô Hữu Mận, Nguyễn Quang Đạo, Khổng Tài Ngữ… đều được ông và đồng đội tận tình cứu chữa, giành lại sự sống giữa lằn ranh sinh tử. Với ông, mệnh lệnh thiêng liêng nhất chính là: “Không để bất cứ một thương binh nào thiệt mạng khi đã vào bệnh xá.”
Trong suốt nhiều năm, bệnh xá X hoạt động ngay sát nách địch, nhưng luôn được bảo vệ an toàn tuyệt đối nhờ sự đùm bọc của nhân dân và tinh thần kiên trung, gan dạ của người y sĩ, chiến sĩ ấy. Những lá thư tri ân từ chiến sĩ trở lại chiến trường là phần thưởng lớn lao nhất với ông, người thầy thuốc khoác áo lính, đặt sinh mạng đồng đội lên trên tất cả.
Năm 1972, sau nhiều năm công tác tại chiến trường Quảng Nam, đồng chí Phạm Cường Nam được điều động về Bệnh viện Quân y thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, nơi ông tiếp tục phát huy chuyên môn và tinh thần người lính cứu người. Trải qua nhiều đơn vị công tác trong Quân đội, đến năm 1984, ông nghỉ hưu và sinh sống tại phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, tiếp tục gắn bó, đóng góp cho địa phương cho đến khi từ trần.

Nhân dịp 60 năm Chiến thắng Núi Thành, để tri ân những đóng góp to lớn và thầm lặng của các chiến sĩ năm xưa, đồng chí Thượng tá Trần Hữu Ích- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam đã không quản ngại đường sá xa xôi, vượt hàng trăm cây số đến phường Vạn Thạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi, động viên và tri ân thân nhân gia đình đồng chí Phạm Cường Nam. Đây là nghĩa cử đầy nhân văn, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, đồng thời là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại truyền thống, tiếp nối bản lĩnh và khí phách của lớp người đi trước.
Chiến công Núi Thành mãi mãi sáng ngời trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Và trong chiến công chung ấy, có bóng dáng của một người thầy thuốc, người chiến sĩ, người đồng chí mang tên Phạm Cường Nam, người đã chiến đấu và hy sinh thầm lặng cho lý tưởng độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân./.