Công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh trong năm 2024

Theo Báo cáo của tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, UBND tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, ngăn chặn không để tàu cá, ngư dân của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài; xử lý kiên quyết đối với tàu vi phạm qua giám sát hành trình; hoàn thành công tác rà soát, thống kê tàu cá “03 không” để đưa vào quản lý.

Tính đến ngày 27/8/2024, tỉnh Quảng Nam có tổng số 3.389 tàu cá, trong đó có 2.220 tàu cá đã được đăng ký và 1.169 tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép. Trong tổng số 2.220 tàu cá đã đăng ký gồm: Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 < 12 mét hoạt động vùng bờ: 953 chiếc; Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12<15 mét hoạt động vùng lộng: 631 chiếc; Tàu cá chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi: 636 chiếc.

Số tàu cá toàn tỉnh được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định số 26/2019/NĐ-CP và Nghị định số 37/2024/NĐ-CP là 1043 giấy phép/2.220 tàu cá (chiếm tỷ lệ 47%), trong đó: Vùng khơi: 588 giấy phép/636 tàu cá (chiếm tỷ lệ 92,5%); Vùng lộng: 187 giấy phép/631 tàu cá (chiếm tỷ lệ 29,6%); Vùng bờ: 268 giấy phép/953 tàu cá (chiếm tỷ lệ 28,1%).

Hiện, tỉnh còn 1.169 tàu cá “03 không” trong đó có 1.086 tàu cá có chiều dài từ 6m đến <15m phân bổ tại 05 địa phương Núi Thành, Điện Bàn Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình. Đối với các tàu "03 không" không đủ điều kiện hoạt động đã được bàn giao danh sách cho các địa phương, Bộ Chỉ huy Biên phòng quản lý, giám sát, không cho xuất bến đối với tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác hải sản. Đồng thời, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo, thành lập Tổ kiểm tra, giám sát quản lý các tàu cá 03 không, các tàu không đủ điều kiện. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập Tổ công tác phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đến trực tiếp các xã, phường nghề cá để hỗ trợ các Phòng Kinh tế/Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã, phường để hướng dẫn, triển khai công tác đăng ký, cấp phép tàu cá “3 không” cho ngư dân. UBND các huyện, thị xã, thành phố có tàu cá “3 không” đã tập trung nguồn nhân lực thực hiện kiểm tra tàu cá, hướng dẫn các chủ tàu thực hiện đầy đủ các hồ sơ, thủ tục có liên quan để được đăng ký, cấp phép. Đến nay đã hướng dẫn được 768 hồ sơ/1.169 tàu cá cho ngư dân.

Ngoài ra, tỉnh cũng chỉ đạo sát giám sát hành trình cho tàu cá, Số tàu cá từ 15 m trở lên phải lắp giám sát hành trình là 636 tàu, trong đó: Số tàu cá đã lắp: 631, chiếm tỷ lệ: 99,2%; Số tàu cá chưa lắp: 05, chiếm tỷ lệ: 0,8%. Đối với các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá đang nằm trên các triền đà hoặc các bờ sông do không đảm bảo an toàn, chờ giải bản, thanh lý, tàu nằm bờ do hoạt động không hiệu quả…các tàu cá này đang được Chi cục Thủy sản và địa phương xác định vị trí và giám sát chặt chẽ.

Bên cạnh đó, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đã được triển khai thực hiện chặt chẽ hơn. Trong 8 tháng đầu năm, tỉnh đã thực hiện kiểm tra, giám sát được 2.441 lượt tàu cập cảng, 3.116 lượt tàu rời cảng;  7.322 tấn thủy sản khai thác được giám sát khi bốc dỡ qua cảng; đã cấp 10 Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản. Tổng sản lượng thủy sản xác nhận: 158.705,5kg.

Từ năm 2023 đến nay, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên, tàu cá của tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt rất cao. Ở một số thời điểm trong năm 2023 và 2024, tàu câu mực của các xã: Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải - huyện Núi Thành; Bình Minh - huyện Thăng Bình mất tín hiệu giám sát hành trình khi hoạt động vùng khơi giáp ranh với vùng biển các nước láng giềng, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức các buổi làm việc, mời người nhà các chủ tàu, thuyền trưởng các tàu nói trên để thông báo tình hình, phổ biến các quy định pháp luật, các chế 7 tài xử lý vi phạm, yêu cầu người nhà nhanh chóng kêu gọi, động viên các thuyền trưởng mở lại máy giám sát hành trình và đưa tàu trở lại vùng biển Việt Nam nếu đã sang vùng biển nước khác.

Công tác thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU cũng được tăng cường, triệt để hơn trước. Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai, phối hợp triển khai nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên sông, trên biển cũng như công tác phối hợp nhiệm vụ tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh Quảng Nam tại Cảng cá Tam Quang đã xử lý trên 130 vụ về khai thác IUU và xử phạt vi phạm hành chính 87 vụ vi phạm khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.879.750.000 đồng, trong đó chủ yếu là vi phạm quy định về thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá (59/87 vụ)./.

 

Tin liên quan