Tăng cường quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi

   Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi.

 

        Theo đó, qua thực hiện công tác kiểm tra việc đăng ký, theo dõi việc nuôi con nuôi trong nước tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh năm 2024 cho thấy một số UBND cấp xã thực hiện việc giải quyết đăng ký nuôi con nuôi chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ theo quy định của Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Xác định không đúng thẩm quyền ký Giấy chứng nhận đăng ký nuôi con nuôi trong nước; sử dụng Sổ đăng ký nuôi con nuôi, các biểu mẫu giấy tờ nuôi con nuôi không đúng mẫu; thực hiện ghi chép Sổ chưa đúng hướng dẫn; các giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ của người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi không đầy đủ, chưa đảm bảo chặt chẽ; không thực hiện báo cáo, đánh giá Bộ tiêu chí theo dõi tình hình phát triển của con nuôi hoặc có nhưng còn thiếu thông tin;…

Trước thực trạng trên, Sở Tư pháp yêu cầu các địa phương cần phải tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về nuôi con nuôi bằng các hoạt động cụ thể như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về nuôi con nuôi, chú trọng tuyên truyền các quy định về đối tượng trẻ em được giải quyết làm con nuôi và cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc nuôi con nuôi; Hướng dẫn, yêu cầu người dân: không được tự ý đưa trẻ em bị bỏ rơi về chăm sóc nuôi dưỡng hoặc tự ý thỏa thuận cho trẻ làm con nuôi mà không tiến hành làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền; báo cáo và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện các trường hợp làm giấy tờ giả liên quan đến việc nuôi con nuôi…

 Đối với việc thực hiện các quy định mới của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, các địa phương cần chú ý về thẩm quyền đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước và trách nhiệm rà soát, tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi. Hiện nay, theo Nghị định số 24/2019/NĐ-CP, đối với trường hợp cha dượng/mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì UBND cấp xã nơi cư trú (thay vì nơi thường trú như quy định trước đây) của người nhận con nuôi hoặc người được nhận làm con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi. UBND cấp xã hàng tháng rà soát, đánh giá việc trẻ em cần được nhận làm con nuôi đối với các đối tượng: trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật (bao gồm cả các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được người dân tự ý đưa về chăm sóc nuôi dưỡng hoặc tự ý thỏa thuận cho trẻ làm con nuôi mà không tiến hành làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi tại cơ quan có thẩm quyền)./.

 

 

Tin liên quan