Quán mỳ Quảng mang tên Phương Thủy có từ những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước nhưng với người dân nơi đây và thực khách gần xa vẫn gọi với cái tên trìu mến, chân chất và quen thuộc là mỳ Phương Long Bình. Trải qua hơn 40 năm làm nghề, quán lúc nào cũng mở cửa chào mời trong niềm vui mến khách đặc biệt là thái độ, ứng xử với khách của ông chủ Phương (Phạm Thanh Phương, năm nay bước qua tuổi 68 ở thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam).
Nhà nghiên cứu Vu Gia, Hội Nghiên cứu và giảng dạy văn học TP. Hồ Chí Minh cho rằng hơn 550 năm danh xưng Quảng Nam và chắc hơn 400 năm món ăn dân dã được định danh là mỳ Quảng đã được Tổ chức Kỷ lục châu Á chính thức xác lập là một trong 12 món ăn Việt Nam đạt “Giá trị ẩm thực châu Á” là một điều tự hào với người dân xứ Quảng. Vấn đề còn lại là người Quảng Nam phải sống, ứng xử làm sao để mỗi khi thực khách nhắc tới mỳ Quảng thì không thể không nhắc tới con người và vùng đất Quảng Nam, đó mới là văn hóa”.
Riêng quán mỳ Quảng Long Bình, Núi Thành cái níu chân thực khách chính là sự gần gũi, thân thiện, mến khách pha lẫn một chút hài hước của của người chủ quán. Vốn sinh ra từ vùng đất chua mặn nên cái sự chân chất, thật thà dễ mến của đa phần người dân nơi đây vốn hiện hữu và ăn sâu vào cốt cách, tâm hồn của mỗi người. Sự hóm hỉnh, bông đùa nhất là cách “Xuất khẩu thành thơ” của ông chủ Phương đã phần nào giúp ông làm nên cơ đồ và thương hiệu mỳ Quảng như ngày hôm nay. “Long Bình vợ nấu chồng bê, mì Quảng ngon miệng chủ mừng khách vui”.Như mặc định cứ đúng 6 giờ 30 phút mỗi sáng quán mở cửa đón khách. Để tạo được cái lệ này ông và gia đình phải trải qua bao năm tháng chịu thương chịu khó lẫn niềm đam mê với nghề.
Mỳ nơi đây khá ngon vì tô mỳ của ông từ trước đến nay mãi trung thành với một loại nước nhưn đậm vị, ngọt nước của thịt gà trống đá cùng với tôm đất rim, thịt heo, nghệ vàng pha lẫn một chút vị chua ngọt của thìa dấm nuôi, giòn thơm của lạc rang, đĩa rau sống tươi rói kèm chiếc bánh tráng vừa được nướng. Thi thoảng đâu đó ngoài kia bên cái lò nướng bánh văng vẳng vài câu thơ “…Đời người như nước xuống lên, Long Bình mỳ Quảng nỡ quên sao đành” càng làm cho thực khách thấm thía và ngon miệng hơn với tô mỳ Quảng nơi đây. Ông chủ Phương hay làm thơ để ca ngợi và làm vui lòng thực khách, thơ của ông mộc mạc, giản dị và gần gũi cùng với thái độ phục vụ ân cần, mến khách của quán đã tạo nên một bát mỳ ngon ngọt, đậm đà và lắng đọng. Cố Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển có lần ghé quán mỳ Long Bình trước sự cởi mở, chân tình đặc biệt là những câu thơ lục bát quá gần gũi và thân quen trong cuộc sống đời thường, sau này Nhạc sĩ đã viết bài “Thơ và Mỳ Quảng” như để nhớ về một cái khác lạ hơn trong văn hóa ẩm thực xứ Quảng ở tô mì Quảng Long Bình (đăng trên báo Thanh niên ngày 05/5/ 2015) với lời cảm “...Quả thật, mỳ quán này khá ngon, có thể trở thành số 1 ở Núi Thành. Vừa ăn mỳ vừa nghe chủ quán đọc thơ...”
Trời thương người chịu khó, quán của ông lúc nào cũng đông khách, háo hức đợi chờ là tâm trạng chung của thực khách khi đến đây. Khách ở đây khá đa dạng như cái bảng giá niêm yết của quán. Khách địa phương có, khách phương xa có. Tiếng lành mỗi ngày một xa không chỉ người địa phương mà còn khách những vùng lân cận như Quảng Ngãi vẫn tìm đến. Biết bao người quê xa xứ mỗi lần về quê thường ghé mỳ Long Bình như để tìm về những hồi ức đẹp của một làng quê yên ả thân quen, nơi có con người chân chất yêu thương và món ăn có nhiều thanh vị, lại rất bình dân thân thiện và cũng rất Quảng như tên gọi của nó: Mỳ Quảng mà trước kia họ đã đến nhiều lần.
Đến nay mỳ Quảng Long Bình vẫn giữ được những nét rất đặc trưng: Hấp dẫn; đậm đà dư vị; ngon miệng và đằm thắm như bao tô mì khác ở quê xứ Quảng Nam, dù mỗi nơi có những biến tấu nhưng không hề làm mất đi cái ngon đặc trưng của nó mà trái lại càng làm tăng thêm tính hấp dẫn của tô mỳ. Riêng mỳ Quảng Long Bình đang trân quí và cố gìn giữ cái còn lại của tô mỳ như Nhà nghiên cứu Vu Gia môn na nói. “Con người Quảng Nam trong tô mỳ Quảng”. Ông chủ Phương đang góp phần lưu giữ và phát triển món ăn mỳ Quảng như bản chất vốn có của nó vừa giản dị vừa chân tình “Mộc mạc mà thương” !