Lời gọi mời của người bạn làm tôi nhớ lại những ngày công tác thường hay đi về các xã miền núi của huyện nhà. Ngày ấy, cứ mỗi khi lên Tam Trà, Tam Sơn, Tam Thạnh, Tam Mỹ Tây thường được mấy người bạn cùng thời mời thưởng thức các món “cây nhà lá vườn” mùa nào thức nấy. Ếch đồng, cá rô, cá tràu, ốc đá… trong đó cá lúi để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp khó quên. Cá lúi có nhiều ở các vùng ao hồ sông, suối miền núi. Người dân cho biết khi cơn mưa mùa thu bắt đầu, từng đàn cá lúi dưới hồ Phú Ninh (Tam Sơn) Ninh, Đồng Nhơn (Tam Mỹ Tây) sẽ theo dòng nước chảy ngược về đầu nguồn, lên dòng các suối có nhiều thác ghềnh, các con sông, khe nước bên các cánh đồng tìm nơi trú ẩn để chuẩn bị mùa đẻ trứng.
Nắm được đặc điểm di chuyển sinh sản của cá lúi như vậy, nên người nông dân sống gần đồng, gần núi xa biển thường ra suối đánh bắt cá lúi mỗi khi mưa về. Dụng cụ rất đơn giản chỉ vài tấm lưới rồi đem thả giăng trong các lòng suối, ruộng đồng quanh hồ vậy mà mỗi đêm cũng được vài cân cá. Đêm nào gặp may, cá “chạy” nhiều, số lượng cá có thể nhiều hơn. Có người được từ 5- 10 cân tùy theo số lượng lưới nhiều hay ít. Cá lúi đem về chế biến hoặc ra chợ bán. Ngày nay người dân Tam Sơn không những dùng lưới mà còn dùng cả rớ quay đặt trên những cửa suối lớn đổ ra lòng hồ Phú Ninh. Đến mùa cá chạy có “quay” một rớ có đến cả 5 cân cá.
Loại cá này sinh sản nhanh và sống từng đàn, nhưng con lớn thường chỉ bằng độ hai ngón tay. Ưu điểm của cá lúi ở suối là mập, xương mềm. Do sống chủ yếu ở khe, suối nên cá lúi rất sạch. Thịt thơm, ngọt chế biến món gì cũng ngon. Người ở quê không cần nấu nướng cầu kỳ mà thường làm những món dân dã, như cá lúi nấu với rau răm, kho với gừng, kho nghệ, chiên giòn, nấu chua với khế trong vườn, nướng dầm nước mắm... Tất cả đều mang hương vị đồng quê, thịt mểm, ngọt thơm khó cưỡng. Đối với tôi, cá lúi nướng là ngon và ấm tượng hơn cả. Ngay bên dưới là con suối róc rách, là mớ cá lúi mùa thu đang về. Cá lúi bắt được cả rổ. Cả nhóm hì hục nướng ăn tại chỗ. Cá được đánh lưới từ suối nên nhìn con nào vảy cũng đều sáng bóng tươi nguyên. Chúng ta không cần phải cạo vảy, không ướp bất kỳ gia vị nào mà chỉ cần rửa sơ bằng nước suối, đem nẹp thành từng ghim hoặc từng kẹp rồi nướng đều trên lửa than hồng. Người ngồi nướng phải canh cho con cá chín vàng đều. Khi cá đã chín, lấy ra khỏi ghim để nguội rồi cho vào một chén nước mắm ngon có giã với ớt, tỏi, chanh, đường đã chuẩn bị trước đó. Hoặc cá nướng chấm với muối ớt xanh, ớt được hai ngay tại bờ suối, tươi xanh, thơm ngon. Cá nướng có mùi thơm của vảy nướng lửa than, có độ giòn của phần đầu, phần xương, có độ dai chắc ngọt của thịt cá
Cá lúi đầu hè đã có, nhưng đến mùa mưa mới là lúc từng đàn cá bụng lặc lè trứng. Khi mưa lớn, nước lũ về tràn đập, sông suối đầy nước chảy cuồn cuộn theo đó cá từ nguồn đổ về hạ lưu lúc đó cá lúi đã về đến các cánh đông Tam Mỹ, Tam Nghĩa đi lại đi từng đàn nên ngư dân vùng dưới cũng được mùa cá ….
Thời điểm này cá lúi bắt đầu về. nếu có thời gian thư nhàn một trưa bên sông gặp được mớ cá bụng tròn căng những trứng. Cứ thủng thẳng đợi sẽ có cá lúi nướng, hay om cá kho nghệ tiêu hành thơm lừng mùi quê./.