Công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản thường xuyên được chú trọng. UBND huyện chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, tập huấn cho xã, tổ chức, cá nhân khai thác thủy sản biết các văn bản quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tăng cường tuyên truyền giáo dục cộng đồng, đặc biệt là đối với các đối tượng khai thác thủy sản bằng xung điện, chất độc được coi là vấn đề trọng tâm hàng đầu, lâu dài nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, ý thức về bảo vệ nguồn lợi thủy sản chung trong cộng đồng và cam kết thực hiện không sử dụng xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản. Huy động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; huy động các tổ chức chính trị xã hội tham gia các hoạt động tuyên truyền bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản tại địa phương. Việc kết hợp tuyên truyền giáo dục thông qua các hình thức tập huấn, ký cam kết,… với đấu tranh ngăn chặn hành vi sử dụng xung điện để khai thác thủy sản đã mang lại những hiệu quả nhất định. Từ năm 2014 đến tháng 6/2024, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với kiểm ngư, biên phòng và công an tổ chức được 54 đợt tuần tra kiểm soát trên sông Trường Giang, sông Tam Kỳ bắt và xử lý 40 đối tượng, tịch thu 40 lưới điện, 50 bình acquy, 36 bộ kích điện, 04 súng điện và xử phạt hành chính 274.100.000 đồng. Các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản bước đầu đã hạn chế được hành vi sử dụng xung điện để khai thác thủy sản, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các giống loài thủy sản, đảm bảo cuộc sống ổn định và lâu dài cho ngư dân, lập lại trật tự, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của đại bộ phận ngư dân hành nghề trên đầm phá Trường Giang và sông Tam Kỳ, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Công tác phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái thủy sinh được địa phương hết sức quan tâm. Hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phòng Tài nguyên và môi trường huyện xây dựng kế hoạch thả cá giống tái tạo nguồn lợi vào sông suối, hồ chứa nước thủy lợi từ ngân sách với tổng số tiền: 2.400.000.000 đồng. Địa phương khuyến khích các tổ chức, cá nhân thả cá giống vào thủy vực tự nhiên. Các đối tượng ưu tiên phục hồi tái tạo trong giai đoạn này như là: Cá hô, cá kết, cá ét mọi, cá cóc, cá chạch lấu, cá sặc rằn và các loài giáp xác như tôm nước ngọt, cua đồng… Quy hoạch khu bảo tồn biển Rạn Bà Đậu ở xã Tam Tiến theo Luật Thủy sản năm 2017; ban hành quy chế vực cấm khai thác, đánh bắt và công bố các loài cấm đánh bắt và ngư cụ cấm sử dụng. Đồng thời, thường xuyên mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật về sản xuất giống và kỹ thuật nuôi thủy sản để phát triển nuôi trồng nhằm giảm bớt áp lực từ khai thác. Huyện Núi Thành đã xây dựng Đề án phát triển Thủy sản giai đoạn 2015 - 2020 và giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn huyện, qua đó cũng đề xuất các giải pháp về chuyển đổi nghề gần bờ, tái tạo nguồn lợi, chống khai thác hủy diệt…
Bên cạnh những mặt đạt được, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của địa phương vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn lực về con người, phương tiện, kinh phí để triển khai các hoạt động. Sự quan tâm, tổ chức thực hiện của các xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan còn hạn chế. Mặc dù người dân được tuyên truyền, có hiểu biết nhất định nhưng ý thức chấp hành pháp luật vẫn chưa cao, các đối tượng sử dụng xung kích điện để khai thác thủy sản ngày càng tinh vi,... Một bộ phận nhỏ ngư dân khó khăn về đời sống kinh tế nên vẫn khai thác thủy sản bất hợp pháp,…
Thời gian đến, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường tuyên truyền trong dân để giảm dần việc khai thác thủy sản bằng xung kích điện, đồng thời, duy trì công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ và khai thác thủy sản, đặc biệt là hoạt động khai thác mang tính hủy diệt. UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng ban chuyên môn phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thống kê các hộ không chấp hành và đang sử dụng, tàng trữ các dụng cụ xung điện, chất nổ... tổ chức họp dân, kêu gọi tự giác và tổ chức kiểm tra, xử lý, thu nộp tang vật vi phạm. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn cho nông dân kỹ thuật nuôi trồng các loài thủy sản nước ngọt có giá trị tại địa phương để thay thế nguồn lợi tự nhiên, góp phần cân bằng, tái tạo nguồn lợi thủy sản./.