Chiến tranh đã đi qua nhưng chúng ta không khỏi bùi ngùi khi nghĩ về những trận chiến, về cảnh bom đạn, chết chóc, hay sự hy sinh mất mát của những người lính, … và cả nước mắt, sự chờ đợi mòn mỏi của người thân nơi hậu phương. Đây cũng chính là chủ đề sáng tác của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam nói chung. Chỉ có những con người sống trong thời chiến ấy mới đủ sức để cảm nhận và sáng tạo nên những tác phẩm mang đề tài chiến tranh sống động, trong đó có tác giả Đoàn Tuấn.
Nhà văn Đoàn Tuấn sinh ra tại Hà Nội, ông được biết đến với vai trò là tác giả các kịch bản phim truyện điện ảnh và nhà văn với các tác phẩm như: “Truyền thuyết về Quán Tiên, Mùa chinh chiến ấy, những người không gặp nữa”, … hầu hết trong các tác phẩm của ông đều là những câu chuyện về người lính, về chiến trường. Tất cả đều hướng tới sự lấp lánh vẻ đẹp con người. Trong số đó phải kể đến tiểu thuyết “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” được ông viết vào mùa hè năm 2018. Đây là cuốn hồi ký hài hước, gần gũi và cảm động viết về những người lính Hà Nội trước ngày ra trận tại chiến tranh biên giới Tây Nam.
Nội dung cuốn sách không đề cập sâu đến chiến tranh hay đau thương … như những tác phẩm về người lính, mà xoay quanh nó là những tháng ngày huấn luyện tân binh đáng nhớ, những câu chuyện đời thường đầy chất lính, vui, tếu, tức cười và cả đau đớn được tác giả khắc họa trên những chàng trai nửa dân, nửa lính với độ tuổi, tâm trạng, hoàn cảnh sống và cả xuất thân từ nhiều tầng lớp trong xã hội. Tất cả đã vẽ nên một bức tranh đầy ắp niềm vui, nỗi buồn của người lính trẻ, ở đó có cả những thói hư, tật xấu của tuổi trẻ cũng được tác giả mô tả với một tấm lòng cảm thông, hài hước và lòng nhân văn sâu sắc.
Cuốn sách “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” như một ký ức đẹp về tuổi trẻ của chính tác giả, viết ra từ chính gan ruột của mình. Vì lẽ đó, sách có sức hút rất lớn và đi vào trái tim của người đọc. Cái hay của tác phẩm là tác giả Đoàn Tuấn đã dựng lại được không khí, cuộc sống, những cuộc gặp gỡ của người lính, của xã hội Việt Nam trong những tháng năm cuối thập kỷ 70 ấy.
Đúng như nhà văn Huỳnh Trọng Khang nhận định về tác phẩm “Một trăm ngày trước tuổi hai mươi”: “Đây là cuốn sách của tình yêu, tình bạn, tình đồng đội, có những trò đùa nghịch, có những dự cảm đáng sợ, tất cả diễn ra trong một trăm ngày, một trăm ngày quyết liệt, một trăm ngày không ngắn, không dài mà vút qua, lao đi, cuộn sạch những gì trên đường đi của nó. Khi bạn đã đọc hết quyển sách này … nếu bạn đã già, hãy hồi tưởng lại thuở mình còn son trẻ. Nếu bạn vẫn đang ở độ tuổi hai mươi, hãy nhớ rằng con nửa thế kỷ trước đã có những người hai mươi như thế”.
“Một trăm ngày trước tuổi hai mươi” là một bằng chứng rõ rệt về những tháng năm đầy màu sắc của một tuổi trẻ trong thời chiến. Một tuổi trẻ thật khó quên và cũng là một thời thanh xuân bất diệt. Có lẽ một chút hơi tiếc nuối rằng tinh thần ấy thật khó để tìm kiếm trong thời nay.
Sách hiện có tại Thư viện huyện Núi Thành, trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc!