Rừng mắm

Hương đứng trên bờ đê phóng tầm mắt ra xa. Rừng mắm xanh rì như trải rộng ra mãi. Những cơn sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa ở xa xa tận bìa rừng ngập mặn. Ngày Hương còn thơ trẻ, những cơn sóng ấy xô ngay vào tận bờ. Giờ đây có rừng mắm như mái tóc xanh của làng che chắn từng cơn sóng trắng.

 

Một vùng bãi cạn sát biển đã hình thành một hệ sinh thái mới mà trước đây chưa hề có. Hương đi dạo trên đê. Nắng nhạt nhòa, mỏng dần như hòa cùng với nước. Cô hít căng lồng ngực. Một cảm giác sảng khoái vô cùng. Những ngày nào bắp chân Hương bám đầy đất bùn khi cùng với những người bạn thanh niên ở Đoàn xã cắm những cây mắm, cây bần xuống bãi sông ven biển này… Cô mỉm cười với rừng mắm xanh tốt  đang rì rào trong cơn gió đầu hè.

          Xã Hương nằm ở cửa sông đổ ra biển. Người dân quê Hương vừa trồng lúa vừa đi biển. Cha Hương ở lại với biển trong một chuyến ra khơi gặp cơn lốc xoáy làm lật thuyền. Con thuyền nhỏ hằng ngày cùng cha kiếm gạo cho gia đình đã không trụ nổi với những cơn sóng giận dữ. Và sóng gió cuộc đời khiến mái nhà của cô chao đảo. Hai tám tuổi, mẹ ở vậy chịu cảnh góa bụa nuôi hai chị em Hương. Hoa là em gái nhỏ hơn Hương một tuổi. Một chiều Hương cùng em ra bãi sông nhặt ốc. Lúc thủy triều lên, hai chị em ùm xuống con lạch tắm. Không may Hoa bị rơi vào vũng nước sâu, nhờ có người gần đó kịp thấy. Khi vớt lên Hoa bất tỉnh, người ta vội đưa vào Trạm xá xã cấp cứu, Hoa qua khỏi cơn nguy hiểm và được đưa lên bệnh viện tỉnh để tiếp tục điều trị hơn mười ngày. Nhưng từ đó Hoa thay đổi tính tình, sống khép mình, tránh mọi người. Mẹ nước mắt ngắn nước mắt dài.

          Thương con mẹ nghe lời mấy bác trong họ đi coi bói. Mẹ héo hon, chạy vạy mượn vay tiền bạc mời thầy “ cao tay ấn”  ra sông “kêu vía”  em về. Thầy bảo, em có chín vía mà mất hết ba vía rồi nên mới vậy. Kết quả cũng chẳng khả quan gì hơn. Mẹ khóc lóc trách trời, trách đất. Tiền bạc, của cải trong nhà lần lượt vơi dần.

          Một người bà con về quê biết tin như vậy đã giúp mẹ đưa em vào Sài Gòn gặp bác sĩ tâm lý. Tháng sau Hoa về nhà trắng trẻo, cười đùa. Bà con, hàng xóm kéo đến thăm, chúc mừng chật nhà. Mẹ tràn nước mắt mừng tủi khi em thoát bệnh.

          Từ đó mẹ từ sông, từ biển. Mẹ cấm chị em Hương không đứa nào được đặt chân xuống sông, xuống bãi. Mẹ dầm mưa dãi nắng, tất tả chạy ngược, chạy xuôi quyết nuôi hai chị em ăn học.

          Tốt nghiệp Trung học phổ thông, Hương nghỉ học mẹ bị viêm thận nên kinh tế gia đình khó khăn thêm. Hương ở nhà giúp mẹ việc đồng áng để Hoa tiếp tục đến trường. Hương động viên Hoa vì em  sức khỏe yếu nên cần phải học giỏi để sau này có một cái nghề làm ăn cho đỡ nặng nhọc, vất vả. Lúc đầu nghỉ học ở nhà, không được theo học đại học Hương rất buồn nhưng cô cố cười vui để mẹ và em yên lòng. Mỗi khi nhìn thấy bạn bè học ở thành phố vê quê lòng cô chơi vơi lắm. Nhiều lúc cô rơi nước mắt trên đồng lúa. Nếu như ba còn sống chắc Hương có sự chọn lựa khác. Đó là số phận, cô không thể trách mẹ, trách em. Cô phải cố vui để mẹ và em gái không phải suy nghĩ, bận tâm điều gì.

          Hương tham gia hoạt động Đoàn Thanh niên rồi giữ chức bí thư Đoàn xã. Từ ngày xã được tiếp nhận dự án “Trồng rừng ngập mặn” thì Đoàn thanh niên là lực lượng chính. Đoàn xã đã nhận trồng với diện tích trên 10ha.

          Dòng sông Bến Ván mang theo những hạt phù sa đổ ra biển, những hạt phù sa lắng dần nơi cửa biển đã hình thành nên một vùng bãi cạn rộng lớn sát bên cánh đồng của làng. Xã Hương nhận được dự án trồng rừng ngập mặn nhằm chống biến đổi khí hậu do nhà nước hỗ trợ. Là một bí thư Đoàn gương mẫu, cô không thể không tham gia. Cô con chịu trách nhiệm trước Ban Dự án về chất lượng cây trồng. Cô không thể làm theo lời mẹ không được đặt chân xuống sông nhưng cô cũng không muốn làm mẹ buồn. Nghĩ chán rồi cô tìm cách dối mẹ đi làm công trình thanh niên cách nhà 10km, sáng đi tối về. Cô nói như thế để dễ bề ra sông với anh, chị em đoàn viên. Trưa cô không dám về nhà ăn cơm mà phải ăn ở nhà đứa bạn. Mẹ đau yếu nên ở nhà chứ cũng chẳng đi đâu được. Cô phải dặn dò từng người trong xóm đừng nói cho mẹ cô biết cô ra sông trồng cây mắm.

          Một hôm mẹ biết được tin này, mẹ giận dữ, hét lên:

- Giờ chị giỏi lắm rồi. Tôi không cần chị nữa.

Nói xong bà òa khóc. Hương thật sự bối rối trước nước mắt của mẹ. Từ ngày cha ra đi, cô luôn tự nhủ phải sống thật tốt để mẹ vơi bớt nỗi buồn. Cha ra đi đã để lại đôi vai gầy của mẹ nặng trĩu nỗi buồn. Nhất là vào những ngày lễ, Tết nhìn người ta quay quần sum họp. Mẹ không khóc những nước mắt đã dội ngược vào trong lòng.         

Hương nghỉ ở nhà ba ngày rồi, ruột gan như lửa đốt. Mẹ vẫn giận không thèm nhìn mặt cô. Hết cách, cô phải xuống sông để trông nom công việc và động viên anh chị em đoàn viên, thanh niên. Tối đó mẹ làm mình làm mẩy bỏ cơm. Hương hết lời giải thích mà bà vẫn một mực không nghe. Mẹ lấy con dao phay chém mạnh vào cột nhà:

- Chị mà đặt chân xuống sông nữa thì tôi từ mặt. Hoặc tôi hoặc sông biển, chị chọn đi.

Hương van, năn nỉ:

- Mẹ à! Mẹ hãy hiểu cho công việc của con. Chuyện nhà mình cũng đã qua lâu rồi. Con đã lớn và hiểu rằng đó là một sự không may của gia đình mình thôi. Sông, biển có rất nhiều lợi ích. Trồng rừng ngập mặt rất có ích cho làng ta.

- Im ngay. Con gái lớn phải lấy chồng. Tôi nhận lời mẹ thằng Thành rồi. Kiếm đâu ra được thằng hiền lành như thế. Cuối năm nay tôi gả chồng cho chị thế là xong.

Mẹ!..

Hương rầu rỉ cả tuần liền. Thành là người xóm trên, hơn cô hai tuổi, con nhà khá giả lại rất hiền. Hương biết từ lâu Thành đã thích cô nhưng anh nhút nhát không dám mở lời. Hương cảm nhận được tình cảm ấy của Thành bằng giác quan thứ sáu của mình qua những buổi họp và những hôm làm phong trào ở xã. Thành luôn quan tâm đến Hương và đã đôi ba lần anh đã nói xa xôi nhưng Hương lảng tránh. Cô coi Thành một người bạn như nhiều người bạn khác. Cô không ngờ Thành lại nhờ mẹ đến nhà nói chuyện với mẹ cô.

Ngồi ở nhà mãi, cuối cùng cô cũng đã nghĩ ra được cách. Cô nhờ Hội Phụ nữ xã và các bác trong họ mà mẹ cô trọng nể vào nhà vận động mẹ. Rồi mẹ cô cũng đồng ý. Cô tiếp tục ra sông, xuống bãi hăng say cùng các bạn trồng những cây mắm con. Công việc tuy vất vả nhưng rất vui. Cô hào hứng, tâm hồn như thăng hoa. 

Để hoàn thành xong đúng kế hoạch, cô phải liên hệ với Chi đoàn Thanh niên đồn Biên phòng đơn vị kết nghĩa với Đoàn xã đóng quân gần đó hỗ trợ. Cũng là một dịp giao lưu bổ ích khiến cho tình quân dân ngày càng đượm thắm, thúc đẩy phong trào địa phương phát triển. và Hương đã quen thân với một người lính trẻ. Tồi tình yêu đến lúc nào cũng không biết nữa. Cô thấy tim mình thường hay hồi hộp và rung với nhịp đập khác lạ mỗi khi Hoàng ở gần bên. Quê anh ở tỉnh xa. Anh rất yêu biển và chính Hương là người đã giữ chân anh ở lại. Khi hoàn thành nghĩa vu, anh ra quân và thi vào học trường  Đại học Thủy sản. Anh bảo sẽ về quê Hương lập nghiệp bằng sức trẻ và tri thức. Tuổi trẻ làm giàu cần có kiến thức khoa học. Anh cũng khuyên Hương nên đăng ký học Đại học vừa học vừa làm. Lúc đầu mẹ Hương cũng cản dữ nhưng sau thấy cả hai cùng cố gắng nên bà cũng an lòng.

Nghe lời anh cô viết bài tuyên truyền về lợi ích của rừng ngập mặn đối với cuộc sống con người và đọc hằng ngày trên đài phát thanh xã. Rồi các cuộc họp trong thôn, cô đều xin Trưởng thôn chút thời gian cuối buổi họp, tranh thủ thuyết trình để bà con hiểu tác dụng của rừng mắm quê ta.

Cô liên hệ với trường Tiểu học và Trung học cơ sở ở trên địa bàn xã thành lập câu lạc bộ “ Em yêu biển quê em”. Chính các em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực nhất trong việc bảo vệ cánh rừng sát ở quê mình.

Thành tốt nghiệp ra trường, về nơi Hương sống và thuê  đầm để nuôi tôm. Ngay năm đầu tiên anh đã lãi lớn vì anh biết nuôi theo đúng khoa học kỹ thuật mà anh đã học được trong trường Đại học. Anh truyền kinh nghiệm cho bà con và anh mở luôn một cửa hàng cung ứng thức ăn, thuốc trị bệnh cho tôm, cá nuôi trong đầm.

Năm rừng mắm trổ hoa cũng là năm Hương tốt nghiệp đại học vừa học vừa làm. Cô tiếp tục làm việc ở xã với cương vị mới Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế. Hoa em cô đã là một nữ sinh trường Đại học sư phạm của tỉnh, chờ ngày ra trường. 

Rừng mắm giờ đây đã cao hơn đầu người. Tôm cá, cua, còng… rủ nhau về quấn quýt chung quanh gốc mắm. Mỗi khi nước thủy triều lên cá tôm bơi lượn, tung tăng vào tận bờ đê trông thật là đẹp mắt

Hương cảm ơn cánh rừng ngập mặn, cám ơn vùng sông cửa biển đã cho quê cô tháng ngày ấm no. Làng chài không còn tan hoang như xưa khi mùa bão đến. Sau mỗi vụ thu hoạch tôm ca trong đầm, nhiều nhà cao tầng khang trang lại mọc lên. Và cánh rừng đã cho cô một tình yêu bền chặt vượt qua được bao thử thách./.

 

Tin liên quan