Mùa gặt lúa nếp quê tôi.

Quê tôi vào mùa gặt có lúa và nếp, đặc biệt là nếp tỏa hương vị thơm nhẹ cả vùng. Buổi sáng, khi mặt đất còn tờ mờ trong màn sương giăng như chiếc khăn vôn mỏng teng màu trắng đục, tôi đã lon ton theo mẹ ra đồng.

 

Từ ngõ xóm, các cô bác nông dân thoăn thoắt, tay hái, tay đòn, vừa đi vừa bàn chuyện mùa màng. Không khí lao động náo nức hòa lẫn trong hương nếp chín rộ từ cánh đồng làng theo gió đưa vào khiến tôi háo hức hơn trên từng nhịp bước.

Giống lúa nếp hạt cau là giống lúa gắn với cánh đồng quê tôi từ rất lâu đời. Đây là loại nếp có chất lượng cao, cho gạo thơm, dẻo và giàu dinh dưỡng. Mẹ tôi rất tự hào mỗi khi nói về giống lúa nếp hạt cau, loại nếp đặc biệt rất ít nơi có và đã trở thành đặc sản của cánh đồng mười mẫu thôn Long Bình, xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành nơi tôi sinh ra và lớn lên.

Những bông lúa rủ nhau xuôi phơi nắng rồi dần chuyển màu vàng đen óng ánh, tròn mẩy. Nếp chín rộ dậy hương quyện lẫn vào trong gió thơm thoang thoảng cả một vùng quê yên bình. Cha tôi mỉm cười chất phác trước những thành quả đạt được sau một thời gian dài chăm bẵm. Mẹ phấn khởi bàn chuyện sắm sửa đồ đạc, chuyện học hành cho chị em tôi trong niềm hạnh phúc sau biết bao sương gió nhọc nhằn.

Mẹ vui lắm vì lúa, nép năm nay được mùa. Hơn ba sào lúa nếp thu hoạch, sau khi phơi phóng sàng sẩy, mẹ bán đi hai phần, đủ trả tiền đầu tư chăm bón suốt mùa vụ; đủ sắm cho tôi chiếc xe đạp mới thay thế chiếc xe đạp cũ cọc cạch đã mấy năm nay; đủ mua cho em tôi bộ quần áo mới vui đến trường cùng bạn; đủ mua cho bố chiếc áo mới thay thế cái áo sờn vai, bạc phếch từ những mùa vụ trước. Cánh đồng mười mẫu thôn Long Bình điển hình trong lúa nếp vì ruộng phì nhiêu trong vùng.

Còn nhớ mỗi lần đi chợ đi chợ, em tôi thúc giục mẹ. “Mẹ mua áp mới cho mẹ đi!” Mẹ chỉ cười. Tôi kéo tay em chạy lại đứng trước những chồng nón lá, chọn một cái đẹp nhất rồi đưa tận tay cho mẹ: “Mẹ mua cái này đi!” Em tôi cũng hùa theo: “Mua đi mẹ!” Mẹ xoa đầu hai chị em rồi chọn lấy chiếc nón lá. Chị em tôi nhìn nhau cười tít.

Lúa giống cho mùa vụ năm sau đã được mẹ chọn, phơi đủ nắng và cất kĩ trong chum sành. Số lúa nếp còn lại, mẹ cho vào bao cột chặt, gác kĩ để tránh lũ chuột tìm đến. Trong bữa cơm mới mừng mùa bội thu, mẹ đãi cả nhà món xôi nếp, món chè nếp gừng. Mùi thơm của gạo nếp, gừng, đậu xanh đưa hương đặc biệt từ khi cái nồi hãy đang còn sôi trên bếp. Nó cứ quấn quýt, neo đậu khắp trong nhà, ngoài ngõ làm nên cái dư vị không thể nào quên của nếp mới. 

 

Tết Nguyên đán đang đến gần. Mẹ gửi gạo nếp quê làm quà cho chị tôi ở trong Nam vì công việc nên không thể về sum họp cùng gia đình. Mẹ bàn với cha tôi làm thật nhiều bánh Tết từ nếp vì mẹ biết chị em tôi đứa nào cũng rất thích ăn. Nào bánh chưng, bánh giầy, bánh chè lam, bánh dẻo, bánh trái xoan, bánh rán v.v...Mới chỉ nghe mẹ kể thôi, tôi đã thèm và trông mấy ngày Tết đến thật nhanh để được thưởng thức những món ngon từ nếp hạt cau quê nhà.

Vào những ngày cuối năm, chị em tôi háo hức chờ đợi những chiếc bánh chưng vuông vắn, đẹp mắt qua bàn tay điệu nghệ của bố. Mẹ tôi còn nấu thêm nồi rượu nếp, vừa để đặt lên bàn thờ ông bà vừa là món quà cây nhà lá vườn mời bạn bè và khách khứa ba ngày Tết. Ngày xuân, nhấp chén rượu nếp hạt cau với hương vị ngọt thơm, nồng đượm, cay cay nơi đầu lưỡi giữa tiết trời giá lạnh thì còn gì bằng. 

Đã bao mùa nếp đi qua, chị em tôi cứ lớn dần trong sự tảo tần của bố mẹ. Cảm giác háo hức, trông đợi những mùa nếp mới, ngày Tết về trong tôi vẫn vẹn nguyên như ngày còn thơ bé. Và cánh đồng nếp hạt cau quê tôi với ruộng mười mẫu tại thôn Long Bình tươi tốt, đưa hương mùa nối mùa...Rất tiếc, lúa nếp đưa hương tại thôn Long Bình ngày xưa, nay chỉ còn trong tâm tưởng./-

                                                                   

Tin liên quan