Thuyền hoa thơ ấu xuôi về bến nhớ

Làng tôi nằm bên này sông, bên kia sông là xóm nhỏ Tây Lộc. Không hiểu từ đâu, mà hễ đám trẻ con bên Tây Lộc chèo thuyền sang làng tôi học, là bọn trẻ làng tôi gào lên: “ Tây Lộc không mang dép !”.

Bây giờ tôi vẫn không hiểu câu nói kháy ấy có gì ghê gớm đến nỗi trẻ con hai làng ít thích nhau, thấy mặt là gờm gờm, ngoáy nguýt… Đơn giản vì xóm ấy làm nghề chài lưới thường xuyên “lên đò, xuống sông” và mỗi khi qua làng tôi chủ yếu là đường đất nên tụi nó ít khi mang dép. Chỉ có vậy thôi mà có đứa xóm tôi còn nói: “Đố bây vì sao Tây Lộc không mang dép ?” rồi tự trả lời: “ Để mỗi khi bị đánh dễ bề chạy thoát”.   

          Xóm trẻ Tây Lộc ghét bọn trẻ làng tôi lắm, nhưng cứ phải nhịn, một sự nhịn chín sự lành, vì dẫu sao ngôi trường duy nhất trong vùng lại nằm ở làng tôi. Phiền một nỗi, ngay chính trên đất làng tôi cũng có một xóm ven sông khoảng tám, chín mái nhà chuyên nghề chài lưới như xóm Tây Lộc. Nghe kể thuở ban đầu xóm này là xóm “ké” của làng tôi. Là do có một nhóm người sống trên ghe, thuyền vốn nghề chài lưới ở tận làng chài dưới cửa biển theo dòng nước kiếm ăn lên tận đây, rồi neo đậu bến làng trú ngụ. Lúc đầu họ sống trên ghe, sau đó dân làng trong đó có ông nội tôi cho họ đất làm nhà. Họ lên bờ lập xóm. Chuyện lâu lắm rồi thế mà đám trẻ làng tôi coi những đứa trẻ xóm chài là ngoại bang, chúng cũng bị trêu chọc như trẻ ở xóm Tây Lộc hằng ngày chèo thuyền qua sông sang bên tôi học tập.

          Trong số những đứa trẻ xóm chài “ lưu vong” ấy, có một đứa con gái tên Thanh. Nó y như tên, xinh xắn trắng trẻo, mong manh, dễ vở. Nó học cùng lớp tôi, ngồi cạnh tôi. Trong giờ học nó không ghi chép học hành gì cả mà chỉ ngồi nhìn ra cánh đồng trước trường học, cuối cánh đồng là dòng sông. Ngày ấy nước sông sạch, trong xanh. Nó là dân thuyền chài nên rất gần gũi với sông nước, tuy con gái và còn nhỏ nhưng tài bơi, lặn của nó rất giỏi. 

          Thanh ít nói, ít cười hay thơ thẩn một mình. Trong lớp tôi không có đứa nào chơi với nó, chỉ có tôi thôi. Tôi hay cho nó chép bài kiểm tra bù lại nó hay dẫn tôi ra bờ sông bắt cá vào mỗi buổi trưa hè hoặc vào những buổi chiều tà sau khi tan trường.

          Cứ trưa hoặc chiều chiều tôi ra bờ sông bắt cá hoặc hái rau cho nhà, Thanh ở đó rồi, Nó vạch cỏ dẫn tôi ra một mõm đá cuối cùng của giăng đá ong chìa ra mặt sông. Hình như ít ai bước ra mõm đá này. Đứng trên mõm đá chúng tôi  nhìn xuống khoảng nước trong xanh và sâu thẳm lạ thường ở dưới chân. Chỗ ấy nước rất sâu y như như một cái hố trong lòng dòng sông. Trong cái hố trong xanh ấy có rất nhiều cá bơi lội tung tăng trông rất đẹp mắt, nhìn mãi không chán. Thanh kể cho tôi biết cái hõm nước ấy sâu lắm, hiếm có người lặn xuống đến đáy của nó.

          Chúng tôi ngồi đó nhìn mặt nước xanh veo ngắm đàn cá bơi lượn lờ. Nhiều nhất là cá hồng, to bằng bàn tay trẻ con. Cá hồng khi bơi lội dưới sông trông rất đẹp, vảy nó ánh lên  từng vệt màu đỏ và xanh tía. Chiều nào, khi chúng tôi đến bầy cá cũng nổi lên bơi lượn lờ, thảnh thơi, nhàn nhã. Chúng cứ bơi qua, bơi lại, lặn xuống rồi trồi lên như thế rất lâu, cho đến khi những con thuyền của ngư dân xóm Tây Lộc kéo về đi ngang qua bến xóm Chài,  tiếng mái chèo khua nước, tiếng cười nói của họ vang lên khắp mặt sông dợn sóng. Hoa bảo những con cá này sống ở đó từ lâu rồi, có lẽ còn lâu hơn cả trước khi nó phát hiện ra.

          Những chiếc thuyền của xóm Tây Lộc rời bến từ sáng sớm tinh sương, họ nối nhau thành hàng dài, khua mái chèo làm cả mặt sông dợn sóng. Ngư trường của họ khi là phía thượng nguồn, khi thì xuôi về khúc hạ lưu gần kề với cửa biển. Nhưng họ bắt đầu thả lưới từ khúc sông gần làng. Họ cứ đi mải miết, đến ba giờ chiều, thuyền họ nối nhau đến chợ. Chợ chiều nằm ở khúc sông dưới cách làng tôi vài ba trăm mét. Khi đoàn thuyền của họ đi qua làm cho mặt sông gợn  sóng, ầm ỉ bởi và tiếng mái chèo khua vào nước liên tục.

          Thuyền nào cũng thường là một đôi vợ chồng. Vợ chèo, chồng giăng lưới, thả lưới xong họ gõ vào mạn thuyền và dùng cây sào chống ghe đập xuống mặt nước để tạo ra tiếng động cho cá chạy dính vào lưới. Một hồi họ nhấc lưới lên gỡ cá rồi chuyển qua đoạn sông khác, hết đoạn này, tiếp đến đoạn kia. Đến khi chỉ còn tiếng nghe tiếng gõ mạn thuyền của họ nơi xa xa vẳng lại.

          Mỗi khi đoàn thuyền của xóm Tây Lộc trở về ngang qua chỗ mõm đá bên hố nước sâu chúng tôi thường đứng nhìn xem cá. Tiếng động của đoàn thuyền làm mặt sông dợn sóng bập bềnh và nối nhau chạy vào bờ nhưng đàn cá hồng không quan tâm đến điều đó, dường như không có gì ảnh hưởng đến chúng. Chúng không hề lặn xuống, dù chúng chỉ bơi trong một khoảng sông nhất định. Chúng tôi thường hỏi những người chèo thuyền đánh cá: “ Sao các cô, các chú không đánh bắt những con cá này?”.

          Nhưng họ chỉ nhìn chúng tôi mỉm cười, rồi tiếp tục chèo thuyền về đậu sát bên nhau ở bến của xóm họ bên kia sông.

          Chúng tôi cứ mãi mê ngắm chơi với đàn cá của mình, dù không thể nào chạm vào chúng được. Những con cá, đã quá quen hoặc phớt lờ chúng tôi, như chúng phớt lờ những người chèo thuyền đánh cá bơi qua mỗi ngày.

          Đầu một mùa Hè, Thanh rủ tôi lấy bẹ chuối làm thuyền trên đó cắm những bông hoa dại hái ở dọc bờ sông rồi thả xuống cho đàn cá. Những chiếc thuyền hoa ấy dập dềnh trôi, trôi xa dần xuôi về khúc sông phía dưới. Một hôm khi đoàn thuyền trở về ngang qua, chúng tôi vẫn chơi thả thuyền hoa, không biết tại sao đột nhiên Thanh nghiêng người rồi rơi xuống làn nước sông trong vắt ấy.

          Nó rơi xuống sông, nước bắn lên tung tóe, những chiếc thuyền hoa dạt lên dập dềnh, nghiêng ngả và đàn cá biến mất.

                                                      ***

          Lớn lên, Thanh xuôi vào phương Nam tìm kế sinh nhai, lập thân, lập nghiệp, có chồng, sinh con hiếm khi thấy Nó về lại cố hương.

          Một chiều tôi sang sông đến xóm Tây Lộc hỏi thăm người đàn ông ngày xưa đã lặn xuống đáy nước vớt Thanh lên và cứu nó đúng lúc. Có  lẽ chậm một chút thì Thanh mãi mãi ở tuổi lên mười rồi. Ông ấy nay tóc đã bạc gần hết và ông cho tôi biết ông đã bỏ hẳn nghề sông nước từ độ cứu bé Thanh.

          Mõm đá còn đó, nhưng đàn cá và thuyền hoa của ngày xưa đã lặn sâu vào  miền ký ức xa thẳm. Chuyện trẻ con hai làng không thích nhau nay cũng không còn, nhiều đời đã kết duyên chồng vợ rồi gả con gái cho nhau, sống trong cảnh thanh bình, an vui, hạnh phúc.

          Tôi không hiểu vì sao hôm đó Thanh lại rơi người xuống hõm nước sâu, trong vắt ấy. Chỉ nghe người ta đồn rằng: “ nó bị đàn cá dẫn dụ”. Tôi nhớ những buổi chiều thả nhũng chiếc thuyền hoa xuống nước sông trong xanh như kính và ngắm đàn cá hồng tung tăng, lượn lờ đẹp mắt.

          Những chiếc thuyền hoa trôi và đàn cá đẹp mãi trôi vào cõi ấu thơ tôi đầy hoài niệm./.         

 

Tin liên quan