Một đội viên du kích Vũ Hùng với Cuộc khởi Nghĩa cách mạng tháng Tám 1945

Ngày 18-8-1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Quảng Nam, quân và dân cả tỉnh đã nhất tề đứng dậy khởi nghĩa giành chính quyền.

 

 

(Quảng Nam là một trong 4 tỉnh của cả nước giành được chính quyền sớm nhất).Ông Nguyễn Ngọc Tân, sinh năm 1925, tại thôn 1 xã Xuân Quang, huyện Núi Thành; nay là thôn Sâm Linh xã Tam Quang, là một trong những lãnh đạo cốt cán của Đội du kích Vũ Hùng do Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo thành lập từ trước Cách mạng Tháng Tám. Hiện ông đang sống với người con trai tại khối 7 thị trấn Núi Thành, Quảng Nam.                                     

 Lúc 16 tuổi, ông Nguyễn Ngọc Tân bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, làm giao liên cho Chi bộ Đảng Tịch Tây, đưa đón cán bộ qua sông Bến Ván, 18 tuổi vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, ông Tân đã tham gia nhiều hoạt động tổ chức lực lượng du kích và làm công tác đảng. Ông từng là bí thư của các huyện miền núi Trà My, Phước Sơn, với 31 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc thiểu số. Ông đã hóa thân vào con người miền tây đất Quảng: cà răng, xỏ tai, đóng khố, đeo cườm, ăn trầu, để tóc dài, đi chân đất, nói tiếng đồng bào. Là người am hiểu tình cảm, tâm lý, phong tục của người đồng bào miền núi Quảng Nam, nên ông đã được đồng bào tin tưởng, cưu mang, giúp đỡ, chở che trên bước đường hoạt động cách mạng.        

                                                           

 Về sự kiện thành lập Đội du kích Vũ Hùng, thuở sinh thời ông Tân đã từng kể: “Tháng 5-1945, Tỉnh ủy Quảng Nam bắt liên lạc được với Trung ương Đảng và nhận được chỉ thị quan trọng “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trên tinh thần của chỉ thị, Tỉnh ủy chọn các xã thuộc tổng An Hòa, phủ Tam Kỳ  nơi có tổ chức cơ sở Đảng các đoàn thể Việt Minh cứu quốc vững mạnh; lại thuận tiện về phương tiện giao thông đường sông, đường biển, có bãi tập kín đáo để thành lập đội du kích và giao cho Phủ uỷ Tam Kỳ lo công tác tổ chức.                           

     Đêm mùng 4-5-1945, Đội du kích Vũ Hùng được thành lập tại nhà một cơ sở cách mạng ở ấp 1 xã Xuân Quang nay là thôn Sâm Linh xã Tam Quang. Đồng chí Đỗ Tín - cán bộ được tỉnh phái về chịu trách nhiệm huấn luyện quân sự. Buổi ban đầu quân số của đội có 30 người; trong đó xã Xuân Quang 18 người, xã Diêm Trường 6 người, xã An Hòa 6 người… Đồng chí Đỗ Tín là một võ sĩ, lính khố xanh nhưng là cơ sở cách mạng ở tù mới ra phụ trách tập luyện với các vũ khí mã tấu, trường kiếm, đoản côn, trường côn, các thế đâm lê, cướp súng,...                  

    Tập luyện được 2 tháng, Tỉnh ủy có lệnh rút 10 đồng chí trong Đội du kích Vũ Hùng đưa ra 4 phủ huyện cánh bắc đó là: Hội An, Hòa Vang, Điện Bàn và Duy Xuyên để làm nòng cốt xây dựng lực lượng vũ trang cho các địa phương này.  Lúc này, Ủy ban Bạo động Quảng Nam thực hiện phương châm “lấy nông thôn bao vây thành thị” qui định lấy ngày 18 - 8-1945 tiến hành đợt tổng tuyên truyền để uy hiếp tinh thần địch và chuẩn bị tư tưởng cho quần chúng để đêm 21 rạng ngày 22-8-1945 các phủ huyện đồng loạt nổi dậy cướp chính quyền. Sau đó dồn lực lượng kéo về cướp chính quyền tại tỉnh lỵ Hội An. Thế nhưng chủ trương trên phải thay đổi vì phe phát xít đã thất bại đầu hàng Đồng minh; bọn phản động Quốc dân đảng và Cao Đài “lợi dụng cơ hội này để cướp chính quyền trước Việt Minh”.                                                                                                                  

  Biết được tình hình đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ra lệnh cho Hội An khởi nghĩa cướp chính quyền vào tối 17 và sáng 18-8-1945. Do có chủ trương kịp thời, có lực lượng vũ trang tại chỗ mà nòng cốt là Đội du kích Vũ Hùng ở Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hòa Vang cùng làm tốt công tác địch vận, quân và dân ta đã chiếm Đồn Giám binh, thu hết súng đạn rồi tiến qua kho bạc và Đồn Công sứ... Chiều cùng ngày, Ban Bạo động dùng 7 ô tô chở lực lượng quân sự chi viện cho các phủ, huyện trong tỉnh và chỉ trong vòng 10 ngày ta giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, trong đó có cả Đà Nẵng.                                                                                      

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 15-10-1945, tỉnh rút 4 đồng chí trong Đội du kích Vũ Hùng là Nguyễn Ngọc Tân, Bùi Xuân Hồng, Phan Lương, Lương Soạn và 2 đảng viên: Bùi Xuân Sanh (xã Tam Quang), Lê Quang Hà (xã Tam Hiệp) về tập trung ở Hội An để nghe đồng chí Võ Toàn tuyên bố thành lập 3 đại đội giải phóng quân của tỉnh đó là: đại đội Nguyễn Thành Hãn, đại đội Phan Châu Trinh và đại đội Võ Thị Thêm. (Ông Tân làm Chính trị viên đại đội Nguyễn Thành Hãn)”.                                                                                                           

   Ghi nhận công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, Đảng và Nhà nước trao tặng cho ông Nguyễn Ngọc Tân: Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhì và hạng nhất; Huân chương Quyết thắng hạng nhất; Huân chương Giải phóng hạng Nhì và hạng Nhất.

                                             

 

Tin liên quan