Trong tổng diện tích rừng Thông này, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam, trực thuộc Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam quản lý 206,22 ha, trong đó: Thông nhựa 197,48 ha, Thông Caribe 9,74 ha, nằm tại các xã Tam Hiệp (4,47 ha), Tam Thạnh (33,27 ha), Tam Xuân I (46,08 ha), Tam Xuân II (122,40 ha) và Ban quản lý Khu công nghiệp Bắc Chu Lai quản lý 3,5 ha Thông Caribe tại xã Tam Hiệp. Diện tích còn lại 50,6 ha do các xã quản lý gồm: Tam Hiệp (7,8 ha), Tam Nghĩa (25,0 ha), Tam Mỹ Đông (9,2 ha), Tam Mỹ Tây (8,6 ha). Diện tích rừng Thông này có xã tự tổ chức quản lý, có xã giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương bảo vệ.
Toàn bộ diện tích rừng Thông 206,22 ha Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam trực tiếp quản lý, bảo vệ, hằng năm có hợp đồng với Công ty Cổ phần Thông Quảng Ninh để khai thác nhựa Thông, hình thức khai thác dưỡng. Việc khai thác nhựa Thông góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, những người nhận khoán công khai thác nhựa Thông. Đồng thời, cùng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Xí nghiệp, đội ngũ công nhân khai thác nhựa Thông thường xuyên có mặt trên hiện trường rừng góp phần quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ, kịp thời phát hiện, ngăn chặn lửa rừng và các hành vi xâm hại đến rừng Thông. Trước đây, tình hình về quản lý, bảo vệ rừng Thông của Xí nghiệp rất phức tạp, nguyên nhân do giá trị rừng ngày được nâng cao, sản phẩm khai thác từ rừng trồng, nhất là cây keo bán được giá, cho nên người dân, trong đó có cả những hộ nhận khoán với Xí nghiệp bất chấp pháp luật, xem thường, không thực hiện đúng hợp đồng đã ký giữa hộ với Xí nghiệp, đã lén lút, có lúc công khai, tự ý chặt hạ, hủy bỏ cây Thông, lấn, chiếm đất để trồng cây keo hoặc bóc vỏ, ken cây, băm gốc, khoan vào thân, đổ hóa chất hủy hoại gốc, rễ cây làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển, sống còn của cây Thông; thậm chí có nhiều đối tượng lén lút đêm hôm tổ chức đốt cháy rừng Thông với mục đích khiến cho cây Thông bị chết khô để có đất trống trồng cây keo chiếm đất, làm thiệt hại lớn đến tài sản của chủ rừng, ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan, gây khó khăn, phức tạp cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của các cơ quan chức năng và mất an ninh trật tự tại địa phương. Trước tình hình trên, Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đã báo cáo UBND huyện Núi Thành, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng của mình phối hợp với địa phương các xã nơi có rừng Thông và các cơ quan chức năng của huyện tổ chức tuần tra, ngăn chặn các hành vi trên và phối hợp với Công an huyện Núi Thành, Hạt Kiểm lâm Nam Quảng Nam vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ các đối tượng cố ý phá rừng, đốt rừng để xử lý theo quy định pháp luật, nhằm răn đe, giáo dục cho nhiều người. Điển hình là vụ việc đối tượng Huỳnh Phước Ân, trú tại thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân II, tự ý chặt hạ và vận chuyển 17 lóng gỗ Thông nhựa tại khu vực Núi Bà Thy, xã Tam Xuân II đã bị lực lượng bảo vệ rừng Xí nghiệp phối hợp với Công an xã Tam Xuân I bắt quả tang, khởi tố vụ án và phạt tù đối tượng vi phạm. Hiện nay việc quản lý, bảo vệ rừng Thông tương đối ổn định, không còn khó khăn, phức tạp như trước, tình trạng khai thác trái phép, cố ý đốt rừng hủy hoại tài sản ít xảy ra. Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam đã quản lý, kiểm soát được tình hình, tuyên truyền vận động và xử lý các trường hợp tự ý trồng cây keo trái pháp luật dưới tán rừng Thông, ngăn ngừa được các hành vi vi phạm xảy ra, hạn chế tối đa xung đột giữa Xí nghiệp với các đối tượng vi phạm và đang thực hiện các giải pháp có hiệu quả, đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa Xí nghiệp và các hộ nhận khoán tại địa phương trong công tác giao, khoán rừng.
Diện tích rừng Thông hiện còn tại các xã đều là Thông nhựa, được trồng từ nguồn vốn Chương trình dự án PAM 2780 năm 1986-1987 (Vốn viện trợ trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc). Sau khi trồng xong rừng, thực hiện Quyết định số 184/QĐ-HĐBT ngày 06/11/1982 của Hội đồng Bộ trưởng về đẩy mạnh giao đất, giao rừng cho tập thể và nhân dân trồng cây, gây rừng; vào thời điểm 1989-1992, diện tích rừng Thông này, một số giao cho UBND xã, một số giao Hợp tác xã và một số giao cho hộ gia đình, cá nhân tại nơi gần rừng quản lý, bảo vệ. Trong số diện tích rừng Thông được giao, diện tích rừng Thông giao cho Hợp tác xã quản lý nay không còn, vì sau khi nhận có một số Hợp tác xã giải thể và diện tích rừng Thông giao lại cho người dân. Số diện tích rừng Thông giao UBND xã hiện chỉ còn tại xã Tam Nghĩa, xã Tam Mỹ Đông và xã Tam Mỹ Tây, còn tại xã Tam Hiệp đã giao cho các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương, gần rừng quản lý, bảo vệ. Hầu như đối với rừng Thông từ khi trồng đến nay gần 40 năm tại xã nào cũng có xảy ra việc người dân hủy hoại cây Thông để lấy đất trồng cây keo hoặc sử dụng vào mục đích khác. Cho nên, diện tích rừng Thông hiện còn rất ít so với thời điểm trồng trước đây. Việc giao đất, giao rừng cho nhân dân, việc quản lý rừng và đất rừng đối với rừng Thông hiện nay tại mỗi xã khác nhau. Tại xã Tam Nghĩa, diện tích rừng Thông hiện còn khoảng 25,0ha, tập trung chủ yếu tại khu vực Hố Lùng, trước đây là thôn Đông Yên, nay là thôn Hòa Đông, một ít còn lại khoảng gần 90 cây, nằm rải rác tại khu vực Hóc Cỏ, thôn An Long. Hiện tại cây sinh trưởng, phát triển tốt; có khu vực cây có đường kính 30-35cm, cao khoảng 15m. Tại xã Tam Mỹ Tây, tổng diện tích rừng Thông hiện còn 8,6ha, trong đó thôn Thạnh Mỹ 6,5 ha, thôn Trung Lương 2,1 ha và thôn Tịnh Sơn còn khoảng 100 cây. Tổng diện tích rừng Thông tại xã Tam Mỹ Đông hiện còn là 9,2 ha, trong đó thôn Đa Phú I 3,3 ha, thôn Đa Phú II 5,9 ha. Cây Thông tại đây cũng giống như tại xã Tam Mỹ Tây, tuy mật độ hơi thưa, nhưng sinh trưởng, phát triển bình thường, không có vàng lá, sâu bệnh. Trên địa bàn xã Tam Hiệp, UBND huyện giao khoán cho các hộ gia đình, cá nhân tại địa phương quản lý, bảo vệ từ khi trồng đến nay khoảng hơn 30 năm. Trước đây, khoảng trên 10 năm, các hộ này có hợp đồng với các cá nhân khai thác nhựa Thông để lấy kinh phí đầu tư cho việc quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, nhưng do khai thác không hiệu quả, thu không đủ bù chi nên việc khai thác nhựa đã không còn.
Để từng bước đưa diện tích rừng Thông hiện còn trên địa bàn huyện vào quản lý ổn định, có sự kiểm soát của địa phương và các cơ quan chức năng, đảm bảo hài hòa về quyền hưởng lợi giữa Nhà nước và các hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý, bảo vệ, thời gian tới, tin rằng các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ rừng sẽ quan tâm định hướng, tìm ra giải pháp bảo tồn, đầu tư, phát triển đối với diện tích rừng Thông hiện còn trên địa bàn huyện, nhất là công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy, trồng rừng hoặc chuyển mục đích sử dụng rừng, sử dụng đất, ...