Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và những người đã bị đau mắt đỏ vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh. Hiện nay, trên địa bàn huyện số ca mắc bệnh đau mắt đỏ và bệnh đang có chiều hướng tiếp tục tăng và cũng đã xuất hiện tại một số trường học, công ty, xí nghiệp trong khu công nghiệp,…
Để chủ động phòng, chống, hạn chế số mắc bệnh đau mắt đỏ trong thời gian tới trên địa bàn, UBND huyện yêu cầu Văn phòng HĐND và UBND huyện Phối hợp với Trung tâm Y tế theo dõi, đánh giá tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn, kịp thời tham mưu UBND huyện văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ đạt hiệu quả. Trung tâm Y tế chủ động phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo, Phòng Văn hoá - Thông tin và Trung tâm VHTT-TTTH thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế; tăng cường công tác giám sát phát hiện bệnh sớm để hướng dẫn người dân điều trị kịp thời không để lây lan rộng. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn huyện thực hiện tốt công tác tiếp nhận và điều trị bệnh đau mắt đỏ; trong đó, đặc biệt lưu ý dặn dò, tư vấn kỹ người bệnh và người thân về các dấu hiệu chuyển nặng cần phải nhập viện và ghi rõ trong toa thuốc ngoại trú; phòng chống lây nhiễm chéo trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông báo cho Trung tâm Y tế huyện khi có ca mắc hoặc nghi mắc nhằm hạn chế lây lan; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định và báo cáo nhanh về cho Trung tâm Y tế Huyện khi có tình hình bệnh có diễn biến bất thường. Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm VHTT-TTTH phối hợp Trung tâm Y tế huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống bệnh đau mắt đỏ theo khuyến cáo của Bộ Y tế để người dân có nhận thức đúng, đầy đủ về dịch bệnh, từ đó nâng cao ý thức, chủ động phối hợp và tự thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ cho gia đình và cộng đồng, đặc biệt khuyến cáo người dân không tự điều trị khi có biểu hiện mắc bệnh. Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường công tác tuyên truyền tại các trường học, đặc biệt các cơ sở mầm non, cơ sở bán trú trên địa bàn thị xã về nguyên nhân, triệu chứng, đường lây bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ; phối hợp với Trung tâm Y tế kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục trực thuộc, yêu cầu các trường đảm bảo thực hiện vệ sinh lớp học, vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, hường xuyên vệ sinh mặt bàn, ghế, làm sạch bề mặt và đồ chơi bằng xà phòng hoặc các chất rửa thông thường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục trang bị đủ phương tiện rửa tay, xà phòng và có vị trí thuận tiện tạo điều kiện thuận lợi cho người chăm sóc trẻ và trẻ em rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; thông báo cho Trạm Y tế địa phương khi có ca mắc, nghi mắc bệnh đau mắt đỏ tại cơ sở để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hạn chế lây lan.
UBND các xã, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo ban, ngành, đoàn thể ở xã, thị trấn thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền vận động Nhân dân chủ động, thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh đau mắt đỏ tại hộ gia đình, cộng đồng đặc biệt là các nhà trẻ, trường mầm non, trường mẫu giáo trên địa bàn....; thực hiện ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ chơi sạch; tổ chức chiến dịch rửa tay bằng xà phòng. Tăng cường kiểm tra việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến đồ ăn, nước uống của trẻ. Thường xuyên đánh giá tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đề xuất giải pháp xử lý, đảm bảo khống chế, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở địa phương, không để dịch bệnh kéo dài và lan rộng.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tăng cường công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường; học sinh và phụ huynh về các dấu hiệu bệnh; khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác; hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và các dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện. Khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm… cần hướng dẫn trẻ đi khám ngay tại các cơ sở khám, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan; đồng thời, thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh; thông báo ca bệnh cho Trạm Y tế địa phương để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.