Giới thiệu Tác phẩm "Bác Hồ - Biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người", tác giả Sơn Tùng, Nhà xuất bản Thanh Niên, năm 2010.

Tác phẩm Bác Hồ - Biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người tập hợp những câu chuyện về đạo đức, nhân cách, tư tưởng,… của lãnh tụ kính yêu, danh nhân văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh giải phóng dân tộc, chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Bác thương các cụ già, các cháu thiếu nhi, những chiến sĩ trên mặt trận, người thương binh, người lao động, chăm lo bồi dưỡng, phát triển nhân tài cho đất nước. Bác Hồ - Biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người là tác phẩm tập hợp những câu chuyện kể về lòng yêu thương con người sâu sắc của Bác thông qua những câu chuyện đời thường rất giản dị nhưng toát lên một nhân cách lớn của một vĩ nhân, một phong cách Hồ Chí Minh độc đáo, duy nhất. Sách dày 311 trang, in trên khổ 21 cm, do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành vào năm 2010.

Mặc dù bận nhiều việc quốc gia đại sự nhưng Bác vẫn luôn giành thời gian đi thăm những người chiến sĩ, đặc biệt là những thương bệnh binh đã hy sinh một phần xương máu mình cho đất nước. Khi Bác đến thăm trường thương binh hỏng mắt ở Hà Nội, anh em thương binh không nhìn được Bác mà quây quần quanh Bác. Nước mắt của Bác lăn xuống chòm râu bạc…một giọt rơi xuống bàn tay anh thương binh đang sờ ngực áo Bác. Anh cảm nhận được, thốt lên: “Ôi, Bác Hồ…Bác khóc…!Bác thương chúng cháu…!”. Những người xung quanh đều xúc động, có một anh nói trong uất nghẹn: “Bác thương chúng cháu không còn mắt để nhìn Bác khóc. Có những kẻ lại khinh chúng cháu là “Đồ mù”…

Một việc rất tế nhị, bình thường nhưng lại rất vĩ đại mà tác giả chia sẻ trong cuốn sách, đó là câu chuyện ông Vương Nhị Chi được Bác giúp đỡ. Ông Vương Nhị Chi là một nhà trí thức cách mạng, bị cụt cả hai tay trong kháng chiến chống Pháp. Sau năm 1954, ông ra Hà Nội và giữ chức Phó Trưởng Ban Công nghiệp Trung ương. Trong dịp kỷ niệm ngày lễ lớn của dân tộc, ông được mời làm đại biểu miền Nam dự lễ tại quảng trường Ba Đình. Gần đến giờ khai mạc lễ thì ông buồn đi tiểu tiện, không có ai quen biết để giúp ông. Ông đi vừa đến lối rẽ vào nhà vệ sinh thì nghe có tiếng hỏi:“Chú đi ra sau à?”. Ông ngoái lại nhìn và ngạc nhiên thốt lên: “Ôi!... Bác Hồ!”. Ông quá xúc động và chỉ kịp “dạ” một tiếng rồi đứng ngây trước mặt Người. Bác vừa nói vừa làm giúp: “Mình giúp chú một tay…Giàu hai con mắt khó hai bàn tay mà!...”. Sau đó Bác đợi ông Chi và tiếp tục giúp ông Chi cài khuy quần, rồi bá vai ông cùng đi vào phòng khách. Có lẽ, không có một vĩ lãnh tụ nào giản dị, gần gũi nhân dân như Bác. Đến năm 1990, học giả Đào Phan và tác giả đến thăm ông Vương Nhị Chi lúc ông đang lâm bệnh. Ông Chi xúc động nói về Bác: “Bác Hồ là biểu tượng kiệt xuất của tình yêu thương con người”.

Có thể nói, trong lịch sử không có một vị nguyên thủ nào đi “vi hành” và sâu sát mọi tầng lớp nhân dân như Bác Hồ. Đồng thời, Bác cũng xem giáo dục là quốc sách hàng đầu và thống nhất giữa lời nói và hành động. Khi vừa chiến thắng giặc Pháp, Bác Hồ, Đảng và Chính phủ nghĩ ngay đến việc mở Trường Đại học nhân dân để đón nhận trí thức vùng mới giải phóng vào học tập, nghiên cứu. Trong buổi họp mặt đầu tiên giữa cán bộ nhà trường với sinh viên trước ngày khai giảng, mọi người rất bất ngờ và vui mừng khi Bác bước vào giảng đường. Sau khi nói chuyện vui vẻ với những sinh viên mới của nhà trường, Bác tiến đến khu vực cán bộ và nhân viên của nhà trường. Bác hỏi một chị đứng tuổi được phân công nhiệm vụ gì. Quá xúc động nên chị nói: “Thưa…thưa Bác…Cháu…cháu làm anh nuôi ạ”. Bác cười, sửa lại câu nói: “Cháu phải nói là cháu làm chị nuôi mới đúng chứ”. Chị lại càng bối rối. Bác tặng chị bó hoa của sinh viên gửi tặng Bác và dặn dò: “Việc nấu ăn cũng quan trọng như việc dạy cho học viên. Bác chúc các cô, các chú luôn luôn có cơm lành, canh ngọt cho sinh viên, thầy giáo ăn ngon miệng”. Bác lại dạy các anh chị sinh viên: “Các cháu nên nhớ rằng ngày nay chúng ta học không phải cốt để có mảnh bằng rồi ra làm quan bóc lột nhân dân, áp bức nhân dân. Mà chúng ta học với mục đích phục vụ nhân dân. Chúng ta có bát ăn phải nghĩ đến dân no hay dân đói. Chúng ta có cái mặc phải nghĩ đến dân mặc lành hay mặc rách. Nước ta còn nhiều mặt thấp kém, dân ta còn nghèo khổ. Muốn cho nước mạnh, dân giàu thì mọi người phải nỗ lực học tập, nỗ lực làm việc và tiết kiệm”.

Một lần khác Bác lại bất ngờ đến thăm Trường đại học nhân dân khi các học viên đang tranh luận về vấn đề lao động là vinh quang. Hầu hết mọi người đều cho rằng lao động trí óc là vinh quang hơn lao động chân tay và trong xã hội có những nghề cao quý, có những nghề hèn mạt. Các giảng viên nhà trường đang tìm cách giải đáp cho học viên có nhận thức đúng hơn nhưng hiệu quả vẫn còn ít. Bác đến bất ngờ, làm không khí sôi động hẳn lên. Bác thân mật nói: “Thánh hiền viết: “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (Nghĩa là mọi việc đều thấp kém, chỉ có đọc sách là cao thượng). Nhưng thử hỏi, trong bụng ta không có lấy một hột cơm, liệu có ngồi mà đọc sách nổi hay không?” Cả hội trường dậy lên tiếng cười. Bác nói tiếp: “Cho nên cái quan niệm chỉ có việc đọc sách mới cao quý, còn mọi việc khác đều là hạ phẩm là sai lầm”. Một giáo sư ngồi trong hội trường đã thốt lên:“Bác Hồ có sức thuyết phục kỳ diệu”. Bác lại trầm ngâm, nói chầm chậm: “Người có trọng trách lớn mà không hoàn thành nhiệm vụ thì không thể vinh quang bằng người giữ phần việc nhỏ mà làm tốt, làm hết trách nhiệm của mình”.

Một giáo sư đại học ở Hà Nội đã nói, Bác là một vĩ nhân mà “Tiền thế vị văn, hậu thế mạc kê” (nghĩa là Đời trước chưa từng thấy, đời sau cũng không ai bì kịp). Vì vậy, việc học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng và có ý nghĩa thiết thực mà mỗi cán bộ, đoàn viên, thanh niên và mỗi người dân Việt Nam cần thực hiện xuyên suốt.    

Thân mời quý độc giả tìm đọc tác phẩm Bác Hồ - Biểu tượng mẫu mực của tình yêu thương con người tại Thư viện huyện Núi Thành để cùng học tập và làm theo tấm gương Bác./.

 

Tin liên quan