Tiếng trống trường dõng dạc đổ hồi. Đang cắm cúi đọc sách, thấy con trai dắt xe ra cửa, ông Hiền ngạc nhiên hỏi:
-Hôm nay thứ tư, anh có hai giờ toán lớp 10, sao lại đi đâu? Hoàng miễn cưỡng trả lời:
- Con nhờ người ta dạy thay rồi!
Ông Hiền đặt sách xuống bàn, đứng dậy, cố trấn tĩnh:
- Không được! Anh nhờ người ta dạy thay mấy buổi rồi, lớp học còn kỉ cương nề nếp gì nữa!
-Nhưng mà con đã báo cáo nhà trường, lại thanh toán sòng phẳng.
Ông Hiền đập bàn gay gắt:
-Lúc nào cũng sòng phẳng. Anh tưởng cứ trả tiền là xong hả? Tôi phải góp ý với hiệu trưởng. Hỏng! Hỏng!
Bà Hiền từ dưới nhà lật đật chạy lên, rầu rầu:
-Khổ lắm! Vừa mới bảnh mắt bố con ông đã to tiếng. Nhà gần trường, không sợ học trò nghe thấy ư!
Hoàng đã nổ máy, lên xe, vọt ra cổng.
Ông Hiền vẫn chưa hết cơn giận, trút cả nỗi bực dọc lên đầu vợ:
- Chỉ tại bà! Mẹ con cứ thậm thụt chuyện nhà cửa, để cho nó bỏ cả lớp cả trường.
Bà Hiền nhìn chồng, trách móc:
-Thì ông cứ để nó lo. Mình suốt đời vất vả, giờ về hưu, hai bàn tay trắng…
Bị chạm lòng tự trọng, ông Hiền đỏ mặt, dằn dỗi:
-Vâng! Tôi nghèo, chỉ có sách vở. Thế sao ngày ấy…
Biết tính chồng, bà Hiền lẳng lặng đi xuống nhà dưới. Cái Hoa đã thức dậy từ lúc nào, nhìn thấy bà vội quay mặt vào tường, dỗi bà bỏ nó nằm một mình để lên với ông. Đúng là rau nào sâu ấy. Bà khẽ nằm xuống cạnh nó, xoa lưng, âu yếm:
-Bà thương, bà yêu cháu cháu gái của bà nào!
Bà chợt nhớ ra hôm nay là sinh nhật cháu. Nó đã tròn ba tuổi, và bố nó chẵn ba mươi tuổi. Hai bố con sinh cùng tháng, chênh nhau một ngày. Vậy là thấm thoát bà về đây đã hơn ba chục năm. Ngày mới đến, bà con son trẻ, bây giờ đã sắp hết đời rồi! Câu nói của chồng đã đánh thức nỗi nhớ mà bấy lâu nay bận rộn, bà lãng quên. Ngày ấy, bà là một cô gái làng xinh đẹp, lại nết na, tháo vát, nhiều người săn đón, theo đuổi, có người bây giờ là Phó Chủ tịch tỉnh, là tướng tá, có cả cái thằng con lão chủ nhiệm, giàu nhất xã, lúc nào cũng lủng lẳng chiếc đài bên hông, đeo kính râm, đi xe Pha-vô-rít bóng lộn, gặp bà đâu cũng toe toét cợt nhả. Bà đã khéo léo cư xử để ho không mất lòng, cho đến ngày gia đình ông Hiền sang ăn hỏi, cả làng mới ngớ ra. Họ yêu nhau kín đáo quá. Anh giáo làng nhà nghèo nhưng giỏi giang, khôi ngô, thật là đẹp đôi. Cưới nhau được một năm, anh giáo được trên cho đi học Đại học rồi bổ lên miền ngược. Cô vợ trẻ nhất làng ở quê vất vả, lại luôn bị quấy rầy. Thằng con ông chủ nhiệm cay cú, ve vãn không được liền tìm cách trả thù, đơm đặt nhiều chuyện xấu. “Không ăn thì đạp đổ”. Phiền muộn vì vợ chồng đã lấy nhau đã ba bốn năm vẫn chưa có con, vừa lo giữ thân mình, vừa thương chồng đi về vất vả, bà đã quyết tâm lên với ông. Từ ngày ấy…
Cái Hoa đã hết dỗi, quay mặt lại làm lành, thơm bà rồi lon ton xuống sân đi rửa mặt. Bà gấp vội chăn màn, xách phích nước lên nhà. Ông vẫn mải mê đọc sách. Bà khẽ khàng đặt phích nước xuống chân bàn, nhẹ nhàng lau tráng ấm chén, pha trà rồi ngập ngừng nhìn ông:
-Lúc nãy em quá lời… ông bỏ qua cho.
Ổng ngẩng nhìn bà, lau kính, chớp mắt:
-Tôi cũng nóng nên nặng lời. Thế chuyện đất cát cho nó lo đến đâu rồi? Có phải làm phiền ai không?
Bà nhẹ nhàng ngồi xuống ghế, đôi mắt nhìn ông dịu dàng:
- Con nó lo xong rồi. Hôm qua mẹ con Hoa đã có giấy tờ, sáng nay chồng nó đi nhận và cảm ơn người ta. Mình nộp lệ phí đầy đủ. Các anh ấy là học trò ông, họ lại giữ đúng phép nước, mình không phiền hà gì.
Ông gật đầu, nhưng nét mặt vẫn ưu tư:
-Tôi chỉ e nó ra đấy, ở chỗ đầu đường xó chợ, phụ thuộc vợ, chúi mũi vào buôn bán, rồi lơ là công việc nhà trường. Ngày ấy, bà cứ theo ý tôi, vun cho nó lấy con Hương, hai vợ chồng đều dạy học, có phải hay hơn không. Mẹ cái Hoa là con nhà buôn bán, không hợp với mình.
Bà mỉm cười, nhìn ông âu yếm.:
-Thì em cũng đã khuyên nhủ, nhưng duyên số nó thế, mình không nỡ ép. Thì mình ngày xưa…
Tiếng xe máy đã xình xịch, ầm ầm lao vào sân. Năm sáu chiếc, lố nhố hơn chục người, túi xách, gói to gói nhỏ lỉnh kỉnh. Ông bà Hiền chưa kịp chạy ra thì họ đã ào vào nhà:
- Chúng em chào thầy, cô ạ!
- Chúng cháu chào hai bác ạ!
Ông Hiền chưa kịp đáp thì vợ Hoàng đã dõng dạc tuyên bố:
-Hôm nay xong việc, lại là ngày sinh nhật bố con cái Hoa. Mời ông, bà và các vị uống với chúng con ly nước ạ!
Bà Hiền nhìn con dâu tỏ vẻ băn khoăn. Vợ Hoàng tươi cười:
- Mẹ cứ yên tâm! Đâu vào đấy cả rồi. Mười lăm phút là xong. Thời buổi thị trường cả mà !
Ông Hiền thong thả pha trà mời mọi người uống nước. Anh học sinh cũ, nay phụ trách nhà đất lên tiếng trước :
-Báo cáo thầy ! Việc cấp đất cho vợ chồng anh Hoàng là đúng tiêu chuẩn. Nhà mình phải tách hộ, thời buổi này không thể ở chung ở đụng mãi được. Vả lại, tụi em thực hiện đúng quy định pháp luật Nhà nước ạ. Thầy cứ yên tâm.
Ông Hiền chưa kịp nói gì thì một anh đã nhép miệng:
-Nhà bác ở sâu trong này tuy rộng rãi nhưng chẳng làm ăn gì được. Các cụ dạy “Phi thương bất phú”, phải ra mặt đường, gần chợ đi thôi!
Anh Hiệu phó nhà trường nháy mắt, ra hiệu cho bạn “dừng lại”, rồi từ tốn tiếp lời:
-Thầy ở trong này yên tĩnh, lại gần trường, có công việc gì, chúng em tiện xin ý kiến chỉ bảo.
Ông Hiền gật đầu tỏ ý bằng lòng rồi nghiêm nghị nhìn mọi người :
-Xin cảm ơn các anh. Dạo này tôi thấy một số thầy cô giáo có vẻ chểnh mảng công việc chuyên môn, lo làm ăn, lại còn mở cả cửa hàng cửa hiệu nữa. Anh Hoàng nhà tôi cũng thế. Phải uốn nắn lại ngay chứ !
Anh Hiệu Phó lễ phép đỡ lời ông :
-Dạ ! Thưa thầy, chúng em cũng đã chấn chỉnh, rút kinh nghiệm. Nhưng xin thầy hiểu cho: lương nhà giáo chưa đảm bảo được cuộc sống, giá cả thị trường lại tăng, nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao. Anh em cũng phải lo đời sống mới an cư lạc nghiệp được ạ !
Ông Hiền xua tay, sẵng giọng :
Các anh chỉ khéo ngụy biện. Ngày trước chúng tôi ăn sắn, ăn bo bo, mà sao vẫn dạy các anh nên người ? Hử ?
Tất cả cười ồ lên trước câu nói chí lí của thầy Hiền. Giữa lúc đó vợ chồng nhà Hoàng đã lễ mễ bưng mâm lên, ngồn ngộn thức ăn và bia rượu. Vợ Hoàng bật bia tanh tách, tươi cười:
-Xin mời ông bà, mời anh em. Tất cả là nhờ anh em hết lòng giúp đỡ vợ chồng mình ạ.
Một anh chàng béo tốt, mặt hơn hớn, nâng cốc cười hớn hở:
-Nhờ các bà xã nữa chứ ! Không có các bà, đố ông nào làm lên trò trống gì. Xin chúc mừng ! chúc mừng nhé !