Quý bạn đọc thân mến!
Có thể nói Sài Gòn là nơi phồn hoa đô thị bậc nhất của nước ta, từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Sài Gòn để lại nhiều ấn tượng và kỷ niệm cho rất nhiều người từ những món ăn, thức uống, quán cóc, chợ búa đến những công viên, trường học, di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc…Những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc với Sài Gòn được nhiều tác giả viết lại và được Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin tập hợp thành cuốn sách tản văn mang tên Sài Gòn thương nhớ.
“Sài Gòn thương nhớ” là một cuốn tản văn giàu cảm xúc, gồm rất nhiều câu chuyện ngắn của nhiều tác giả viết về những kỷ niệm riêng của mỗi người đối với mảnh đất Sài Gòn. Mảnh đất này đối với họ không chỉ có phồn hoa đô hội mà còn chứa đựng nhiều điều giản dị, thân thương, đầy tình người. Sách dày 203 trang, in trên khổ 21cm, phát hành năm 2013.
Nhắc đến Sài Gòn, không thể không kể đến một nét rất đặc trưng của Sài Gòn, đó là cà phê Sài Gòn. Qua bài viết Sài Gòn, cà phê xưa! của tác giả Quốc Việt - Lan Phương, các bạn sẽ có thêm góc nhìn về lịch sử, quá trình phát triển của cà phê Sài Gòn. Theo tác giả, dẫn lại lời của cố nhà văn Sơn Nam, ở Sài Gòn đã sớm xuất hiện hai quán cà phê do người Pháp làm chủ là Lyonnais (đường Lý Tự Trọng ngày nay) và Café de Paris (trên đường Đồng Khởi) từ năm 1864. Từ đó, cà phê dần hình thành một dòng chảy văn hóa, bạn tri âm, tri kỷ của bao lớp người Sài Gòn. “Trục cà phê” ở Sài Gòn xưa gồm ba quán La Pagode, Givral, Brodard đã một thời là trung tâm báo chí của Sài Gòn. Nhiều tên tuổi lớn của báo chí thế giới thời ấy thường đến đây để nghe ngóng những tin tức nóng bỏng nhất về chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt, vị “tướng Givral” Phạm Xuân Ẩn cũng quanh năm ngồi ở quán cà phê Givral. Ông là phóng viên tờ The Time và là một nhà tình báo xuất sắc nhất của Việt Nam trong suốt cuộc chiến. Bên cạnh những quán cà phê gắn liền với lịch sử, những quán cà phê sang trọng, cao cấp, Sài Gòn xưa còn có những quán cà phê bình dân như bộ mặt khác rất chân thực về người ở xứ này. Thầy giáo Hoàng Hữu Phước kể lại về quán cà phê đã mua cho cha: “Bà chủ cho cả cái vợt đầy bột cà phê nhúng vào bình, vợt lên xuống rồi đổ cà phê ra cốc. Xong bà lại tống nước sôi vào, tiếp tục vợt và đậy nắp lại. Ba tôi ghiền, ông ngoại tôi cũng ghiền”.
Có một nỗi nhớ Sài Gòn khác trong lòng những con người đã từng sinh sống, học tập ở thành phố này, đó chính là đời sống Sài Gòn về đêm. Bài viết Đêm Sài Gòn: Chưa xa đã nhớ sẽ giúp độc giả tìm hiểu thêm về Sài Gòn ban đêm. Theo tác giả, chỉ khi đêm xuống, Sài Gòn mới thực sự trở nên lung linh, lãng mạn. Nhiều người trẻ thích dạo ra đường vào ban đêm, có lẽ vì thế mà hình thành nên những dịch vụ, những điểm đến, những phong cách. Vui nhất là đi ăn uống ban đêm tại Sài Gòn, đặc biệt là ở các phố đi bộ tại trung tâm Sài Gòn. Cả những đoạn đường dài tấp nập khách trẻ, từ dân tài chính, ngân hàng, báo chí, truyền thông, cho đến dân văn nghệ sĩ, diễn viên, người mẫu…đủ cả thành phần. Thêm vào đó, có rất nhiều quán ăn uống từ bình dân tới cao cấp và đủ các món từ biển tới rừng, đồng bằng, đủ các loại thức ăn, nước uống, các đặc sản Bắc - Trung - Nam…phù hợp với nhu cầu của hầu hết mọi người. Chơi đêm ở Sài Gòn không phải là điều gì thiếu lành mạnh, mà đơn giản đó chỉ là một phong cách sống vui vẻ, thoải mái, một nét văn hóa riêng rất đặc trưng của thành phố này. Việc kinh doanh đêm tại Sài Gòn không chỉ là đồ ăn, thức uống mà còn là kinh doanh những dòng nhạc đặc trưng, kinh doanh một chỗ ngồi. Chính vì thế, có rất nhiều quán bar, quán cà phê, phòng trà…với nhiều phong cách nhạc từ cổ điển đến hiện đại, nhạc Âu Mỹ bất hủ, nhạc Trịnh, nhạc trữ tình…Ngoài ra còn nhiều góc phố, con đường, nhiều cảnh đời mưu sinh ban đêm với đủ các nghề phản ánh sự đa dạng, phong phú của đời sống Sài Gòn về đêm. Đặc biệt là những điểm đến như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát Lớn, trụ sở Ủy ban Nhân dân, Bảo tàng Thành phố… rất lung linh, lãng mạn dưới ánh đèn đêm, góp thêm diện mạo của đêm thành phố những góc ngắm khó quên.
Đọc qua các bài viết trong cuốn sách Sài Gòn thương nhớ sẽ giúp bạn đọc, đặc biệt là những bạn đọc đã từng gắn bó với Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhớ lại những kỷ niệm, cảm xúc mà mình đã từng có ở nơi đây. Thân mời quý bạn đọc tìm đọc cuốn sách này tại Thư viện huyện Núi Thành để cùng tìm hiểu những góc nhìn, những ấn tượng đặc biệt của các tác giả đối với thành phố mang tên Bác./.