Núi Thành thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2023

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 77-KH/TU ngày 24/9/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về triển khai thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Núi Thành (Ban Chỉ đạo 138 huyện) ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2023.

Năm 2023, huyện Núi Thành tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh những hành vi tham nhũng, tiêu cực và bao che, dung túng, tiếp tay cho tội phạm và vi phạm pháp luật. Đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp kéo giảm tội phạm, giảm ít nhất 05% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2022; bảo đảm 100% các tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đều được tiếp nhận, phân loại, xử lý; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm về trật tự xã hội đạt tỷ lệ trên 75%; điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt tỷ lệ trên 90% tổng số án khởi tố; truy tố đúng thời hạn trên 90% số vụ án hình sự đã có kết luận điều tra đề nghị truy tố; nâng cao chất lượng xét xử, tỷ lệ giải quyết án hình sự đạt trên 88%; tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. 

Địa phương xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm; thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đơn vị, địa phương; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phòng, chống tội phạm. Tăng cường khai thác, ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi trạng thái các mặt công tác từ “truyền thống” sang “hiện đại” vào công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm. Nghiên cứu, khai thác các phần mềm, ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ quản lý xã hội, quản lý nghiệp vụ, phòng, chống tội phạm. Tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề về an sinh xã hội, an dân như hỗ trợ tạo việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo, ưu đãi người có công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, thực hiện trợ giúp xã hội, bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản; có giải pháp cụ thể ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Tổ chức công tác phòng ngừa tội phạm theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng lĩnh vực; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý cán bộ, quản lý sử dụng tài sản công, chủ động phòng ngừa không để tội phạm có cơ hội lợi dụng hoạt động. Tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền các quy định về phòng, chống tội phạm và các biện pháp phòng ngừa trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng công nghệ số, các trang mạng xã hội (zalo, facebook), hệ thống thông tin cơ sở; tổ chức biên tập, đăng các tin bài tuyên truyền về kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm; tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm; cách thức phòng ngừa, phát hiện cung cấp thông tin, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật như: Tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, tội phạm lừa đảo qua mạng Internet, mạng viễn thông, trộm cắp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tác hại của ma túy, mại dâm, cờ bạc; đẩy mạnh tuyên truyền, lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, thông báo, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em... Tổ chức kết nối, khai thác, sử dụng phát huy tối đa hiệu quả hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân để khai thác, sử dụng phục vụ công tác, quản trị xã hội. Phối hợp siết chặt quản lý dịch vụ viễn thông, tài khoản ngân hàng không để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Giải quyết kịp thời các mẫu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, nhất là liên quan đến tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, mỗi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, mâu thuẫn gia đình... Triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý, hỗ trợ, giải quyết việc làm cho các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tử về địa phương cư trú, đối tượng hoàn thành cai nghiện theo Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng, Thông tư số 22/2021/TT-BCA ngày 22/02/2021 của Bộ Công an quy định trách nhiệm của Công an các đơn vị, địa phương trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi ổn định cuộc sống và hạn chế tình trạng tái phạm. Rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình phòng, chống tội phạm tại cơ sở đang hoạt động hiệu quả; nghiên cứu xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa bàn; tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc trong công tác phòng, chống tội phạm.

Công an huyện là cơ quan thường trực có trách nhiệm giúp Ban Chỉ đạo 138 của huyện theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tội phạm năm 2023.

 

 

 

Tin liên quan