Cách phòng, tránh ngộ độc thực phẩm do độc tố của Clostridium botulinum

Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp với mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân được xác định là do một loại vi sinh vật có tên Botulinum. Độc tố này gây ra các biến chứng nặng, nếu không can thiệp kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

 

Cụ thể, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận 6 ca ngộ độc Botulinum do ăn bánh mì, chả lụa, mắm ủ lâu ngày. Đến nay, đã có 1 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định tử vong, 2 nạn nhân đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy đang trong tình trạng nặng. 3 trẻ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 do đã được sử dụng thuốc giải BAT nên tình hình sức khỏe đang cải thiện dần.Tối 25/5, hai mẫu giò lụa từ nhà bệnh nhân và cơ sở sản xuất ở TP Thủ Đức cho kết quả âm tính độc tố botulinum, song cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được nguyên nhân ngộ độc.

Ngộ độc Botulinum là ngộ độc do nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum. Ngộ độc này rất hiếm xảy ra ở Việt Nam và trên thế giới. Nguyên nhân chính là do người bệnh nhiễm độc tố vi khuẩn trong thực phẩm kém chất lượng, ăn phải các loại thức ăn bảo quản không tốt. Từ năm 2020 đến nay, rải rác có một vài ca bệnh/năm, gần đây có 6 ca tại TP Hồ Chí Minh.

Botulinum là loại độc tố thần kinh cực mạnh, sinh ra bởi vi khuẩn yếm khí - loại vi khuẩn ưa môi trường kín như thức ăn đóng hộp, hoặc môi trường thực phẩm không đủ tiêu chuẩn kiềm chế vi khuẩn phát triển.

Triệu chứng nhiễm độc là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các dấu hiệu này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.

Do bệnh này rất hiếm xảy ra nên nguồn cung đối với thuốc chữa bệnh này (thuốc BAT) trên thế giới cũng rất hiếm. Vì vậy, đây là thuốc không dễ chủ động về nguồn cung. Bên cạnh đó, giá của thuốc này cũng rất cao. BAT hiện chưa nằm trong danh mục các thuốc được Bảo hiểm chi trả.

Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân không ăn thực phẩm đóng gói, đóng hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, có mùi vị màu sắc bất thường để phòng nhiễm độc tố botulinum.

Đồng thời, phải cảnh giác với thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán địa phương, có biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn. Người dân được khuyến cáo không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Không ăn thực phẩm đóng gói đã hết hạn sử dụng, vỏ hộp bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

Các cơ sở sản xuất phải sử dụng nguyên liệu an toàn, đảm bảo vệ sinh, an toàn, khử khuẩn khi chế biến đồ đóng hộp.

 

 

Tin liên quan