Ngày 8 tháng 3 năm 1965, hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, tháng 4 năm 1965, các tốp máy bay phản lực của quân đội Mỹ hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng, mở đầu cho lính Mỹ tham chiếm trực tiếp trên bộ ở miền Nam Việt Nam.
Để chuẩn bị cho việc đổ quân vào Chu Lai, đầu năm 1965, địch sử dụng trung đoàn 4, sư đoàn ngụy và một số đơn vị địa phương quân lực lượng tương đương khoản 7 tiểu đoàn lùng lục các xã Kỳ Liên, Kỳ Hà và các xã Bình Thạnh, Bình Chánh ( huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Chúng chốt giữ một số vị trí quan trọng, bảo vệ bọn cố vấn Mỹ và chỉ huy quân ngụy đến thăm dò, điều tra, khảo sát địa hình hai xã Kỳ Liên, Kỳ Hà. Một số đơn vị công binh cùng với phương tiện kỹ thuật đến đo đạc, cắm mốc mở đường từ An Tân xuống Kỳ Hà. Ngoài khơi tàu Hải quân ngụy liên tục tuần tra bảo vệ các tàu thuộc Hạm đội 7 Mỹ vào thăm dò đo mực nước, chọn bãi đổ bộ bằng đường biển. Để giữ bí mật và nhằm đánh lạc hướng dư luận chúng tung tin là sẽ di chuyển chi khu quận lỵ Lý Tín từ Kỳ Khương đến khu vực này.
Ngày 7/5/1965, 6.400 tên lính thủy đánh bộ Mỹ cùng với 24 xe tăng, hàng chục khẩu pháo, hàng trăm máy bay lên thẳng đổ bộ lên cửa biển Kỳ Hà. Ngay sau khi lên bờ, quân Mỹ chia làm 3 hướng, có máy bay trực thăng, xe tăng, pháo hạm yểm trợ chiếm núi Phú Xuân ( Bàn Than, Tam Hải), Đồi 52 nhanh chóng triển khai hỏa lực khống chế hai xã Kỳ Xuân, Kỳ Hòa và kiểm tra các vùng lân cận tạo thế vững chắc cho việc thiết lập căn cứ quân sự.

Ở phía nam, quân Mỹ dàn thành hàng ngang, sục ngay vào 4 thôn phía đông quốc lộ 1A: Thanh Trà, Định Phước, Hòa Vân, Đông Yên xã Kỳ Liên đuổi nhân dân đi nơi khác. Chỉ trong một thời gian ngắn 800 gia đình của 4 thôn này lên sinh sống ở trảng cát thôn Tịch Tây (phía tây đường quốc lộ 1A, nằm phía trên đường sắt xuyên Việt ) chúng lập ở đây Khu dồn, ấp chiến lược và cũng chia thành 4 thôn: Thanh Trà, Định Phước, Hòa Vân, Đông Yên. Khu đó, bây giờ là thôn Thanh Trà và thôn Định Phước ( xã Tam Nghĩa). Tại thôn 4, thôn 6 Kỳ Hà chúng dùng mìn đánh sập nhà cửa, hầm trú ẩn dồn dân xuống dọc sông Trường Giang. Tính mạng nhân dân bị uy hiếp, tài sản, hoa màu, ruộng vườn bị chúng cướp sạch.
Chúng khẩn trương nạo vét cửa biển An Hòa, xây dựng cảng Kỳ Hà thành cảng biển quân sự, cho các tàu chở phương tiện, vật tư, trang bị tập kết xây dựng căn cứ quân sự với tên gọi Chu Lai. Từ độ ấy, bọn Mỹ dùng bom, pháo, bắn phá suốt ngày đêm lên dãy núi Răng Cưa, núi Con Heo, Đèo Mộc, Tứ Mỹ, Kỳ Thanh…
Sau 10 ngày đổ quân, triệt phá làng mạc, củng cố các vị trí đã chiếm được , ngày 17 tháng 5 năm 1965, quân Mỹ cho nhiều tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đánh phá ra chung quanh. Chúng chiếm các điểm cao trên dãy núi Rang Cưa và đồi Yên Ngựa ( Núi Thành) xây dựng nơi đây thành các chốt điểm tiền tiêu án ngữ, bảo vệ phía Tây, Tây- Nam căn cứ Chu Lai tạo thành vành đai trắng, đấy lực lượng ta ra xa căn cứ Chu Lai. Cuộc chiến chống quân xâm lược cứu nước của nhân dân ta bắt đầu chuyển quan giai đoạn mới.
Căn cứ vào mệnh lệnh của Bộ Tư Lệnh quân khu V, qua theo dõi, nghiên cứu phân tích các hoạt động chiến đấu càn quét, chốt điểm của quân Mỹ trong thời gian hơn 10 ngày; cụ thể nghiên cứu các chốt điểm trong hệ thống phòng thủ phía tây căn cứ Chu Lai. Qua nghiên cứu phát hiện Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ từ căn cứ Chu Lai đến đóng quân ở Núi Thành (từ ngày 17-5-1965), Tỉnh đội Quảng Nam quyết định chọn Núi Thành làm mục tiêu đánh đòn phủ đầu. Núi Thành là tên quả đồi có hai mỏm chính (mỏm đồi 50, mỏm đồi 49, cách nhau 500m) và một mỏm phụ thuộc thôn Tịnh Tây, xã Kỳ Liên. Tại đây, địch có 180 quân, bố trí thành 3 cụm ở 3 mỏm đồi. Địch xây dựng công sự dã chiến, bố trí hình bậc thang bao quanh các mỏm đồi từ thấp lên cao, xen kẽ với bụi cây. Phía ngoài cùng có hai hàng rào dây thép gai bùng nhùng cao 1m, rộng 1m bảo vệ. Nếu Núi Thành bị tấn công, địch có thể sử dụng trận địa pháo ở Ao Vuông, Chu Lai, pháo hạm tàu và máy bay từ căn cứ Chu Lai chi viện và Đại đội 2 tiểu đoàn 70, một phân đội Đặc công 16 của ta được thực hiện nhiệm vụ. Tư tưởng trận đánh là tiêu diệt gọn, làm chủ chiến trường, bắt tù binh, thu vũ khí, hạn chế thương vong thấp nhất. Tư tưởng chiến thuật là bí mật đưa lực lượng luồn sâu, lót sát các mục tiêu, hình thành thế bao vây, bất ngờ nổ súng, thọc sâu chia cắt tiêu diệt địch.
Đúng 0 giờ 30 phút ngày 26 tháng 5 năm 1965, đại đội trưởng ra lệnh nổ súng. Sau 30 phút chiến đấu dũng cảm, mưu trí, linh loạt. Đại đội 2 làm chủ chiến trường, diệt dọn đại đội lính thủy đánh bộ Mỹ, giết chết 139 tên, thu 14 súng phá hủy 2 khẩu ĐKZ 75mm, 1 khẩu cố 81 mm, 3 máy thông tin vô tuyến điện. Cắm lá cờ “ Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược” trên đỉnh Núi Thành. Với chiến công đó, Bộ chỉ huy quân giải phóng miền Nam tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và lá cờ mang hàng chữ “ Núi Thành oanh liệt – Quyết chiến lập công” cho Đại đội 2 tiểu đoàn 70, Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng cho quân và dân tỉnh Quảng Nam danh hiệu cao quý “ Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Trận đánh Núi Thành tuy quy mô nhỏ, số lượng quân đội Mỹ bị tiêu diệt chưa nhiều, song đã khẳng định các lực lượng vũ trang ta không những diệt được Mỹ ngoài công sự mà còn diệt được cả một đơn vị Mỹ trong công sự. Qua đó giải quyết được vấn đề cơ bản là ta có thể đánh và đánh thắng quân đội viễn chinh Mỹ. Sau trận đánh Núi Thành trên khắp chiến trường miền Nam xuất hiện khẩu hiệu “ Tìm Mỹ mà đánh, gặp Mỹ là diệt”, giành thắng lợi từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.