Đó là vào ngày 10/6/1965, du kích xã Kỳ Sanh dưới sự lãnh, chỉ đạo của chi bộ Đảng xã anh dũng chiến đấu chống trả, tiêu diệt một trận càn của giặc Mỹ tràn vào làng Trung Thành”. Ngày 05 tháng 11 năm 2019 UBND tỉnh Quảng Nam đã ký quyết định 3608 /QĐ-UBND ban hành danh mục di tích đăng ký bảo vệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2024 trong đó có Địa điểm trận đánh Mỹ đầu tiên của du kích xã Kỳ Sanh Xã Tam Mỹ Tây
Đầu tháng 6/1965, quân Mỹ bắt đầu càn quét ra vòng ngoài, cho lực lượng chiếm đóng các điểm cao quan trọng, để xây dựng cứ điểm, lập thành hệ thống phòng thủ bên ngoài. Tại Kỳ Khương, chúng chốt giữ cầu An Tân, đồi 69 (Hố Giang), sau đó lấn ra thiết lập cụm cứ điểm Ông Sầm, Trảng Bà Mù, bố trí tại đây một tiểu đoàn pháo 105mm, 1 sân bay dã chiến, 1 chi đội xe tăng M141 và xe bọc thép M113. Tại Kỳ Sanh, quân Mỹ dùng phi pháo bắn phá ác liệt và tung gián điệp, biệt kích lên vùng ta kiểm soát để nắm tình hình.

Sự tàn phá do bom đạn Mỹ gây ra ngày càng khốc liệt đã trở thành nỗi lo của nhân dân. Để đánh được Mỹ, Ban Cán sự - Ban chỉ huy huyện đội xác định vấn đề cốt tử là phải xây dựng quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang. Phân công cán bộ có khả năng chỉ đạo, chỉ huy tác chiến xuống cùng cấp ủy xã sinh hoạt giáo dục chính trị, xây dựng quyết tâm đánh Mỹ cho du kích. Tại Kỳ Sanh, chi bộ xã Kỳ Sanh ra nghị quyết: “ phải đánh thắng trận đầu dù có hy sinh một vài đồng chí đi nữa cũng phải đánh” 25 đồng chí trong chi bô nhất trí giao cho đồng chí Nguyễn Tứ chi ủy viên, chính trị viên xã đội cùng đồng chí Lê Văn Tâm, Xã đội trưởng nghiên cứu thực hiện kế hoạch. Tổ chức đội du kích xung kích, có 10 đảng viên, 5 đoàn viên; trang bị một trung liên còn lại súng trường và tiểu liên, sẵn sàng đánh Mỹ. Lấy 5 đồng chí có quyết tâm cao làm tổ xung kích, bố trí nằm sát nách Mỹ ( thôn 4) 10 đồng chí còn lại chia làm hai tổ có nhiệm vụ chi viện cho tổ xung kích. Ngày 10 tháng 6 năm 1965, Mỹ 2 đại đội thủy quân lục chiến, có pháo binh yểm trợ. Từ Đồi 69 kéo qua cầu Xuổng, vượt qua cánh đồng, bao vây càn quét thôn 4 ( nay là thôn Trung Thành). Quyết đánh thắng trận đầu, giải quyết tư tưởng sợ Mỹ, mở màn cho các đơn vị, địa phương trên vành đai, Xã đội trưởng Lê Văn Tâm cùng đồng chí Trần Phụng, Bùi Đoàn bố trí trận địa phục kích ở cầu Hào, cầu Cũ khu vực chợ Cà Đó, để quân Mỹ đến cách ta khoảng 30m, đồng chí ra lệnh nổ súng. Khẩu trung liên phát tỏa, du kích đồng loạt bắn xối xả vào đội hình địch. Những loạt đạn đầu ta đã diệt được 11 tên. Bị tấn công bất ngờ, quân địch rút về hướng Cầu Xuổng ( giáp với xã Kỳ Khương) để chuẩn bị phản công lại, chúng gọi pháo ở căn cứ Chu Lai cùng với hỏa lực tại chỗ bắn xối xả vào trận địa du kích. Nhưng với lối đánh du kích dựa vào địa hình nông thôn miền núi lúc ẩn, lúc hiện, lúc gần, lúc xa cơ động nhanh chóng, bố trí trận địa ở dưới chân đồi Nổng Đồn, chờ quân Mỹ đến , đánh tiếp. Khi quân Mỹ chiếm được chợ Cà Đó không gặp sự phản kháng của ta, chúng tiến hành lung sục; 11 giờ một bộ phận quân Mỹ đến vị trí mai phục của du kích, ta nổ súng tiêu diệt tiếp được 6 tên rồi chuyển nhanh về thôn 8 ( nay là thôn Tịnh Sơn). Địch phản ứng quyết liệt đến tối rút quân về Đồi 69 ở xã Kỳ Khương. Tương quan giữa hai lực lượng ta và địch trong trận đánh có độ chênh lệch rất lớn, quân địch đông gấp bội cùng với nhiều loại vũ khí tối tân hiện đại nhưng với lợi thế địa hình quen thuộc, lối đánh thần tốc, thoắt ẩn thoắt hiện du kích xã Kỳ Sanh đã thắng lợi thu được 02 khẩu sung gần M14, một số lựu đạn và quân dụng cá nhân. Trận đánh thắng lợi đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần của nhân dân và để lại nhiều kinh nghiệm quý cho ta trong quá trình hoạt động chiến đấu trên vành đai diệt Mỹ. Nếu chiến thắng Núi Thành là ngọn cờ đầu diệt Mỹ trong hệ thống phòng ngự của căn cứ địch thì thắng lợi của du kích xã Kỳ Sanh là thắng lợi đầu tiên của du kích chống càn quét mở ra giành dân cổ vũ động viên tinh thần chống Mỹ của lực lượng du kích tỉnh nhà. Trận đánh Mỹ đầu tiên của du kích xã Kỳ Sanh đã chứng minh vai trò của cấp ủy xã trong việc lãnh chỉ đạo chiến đấu chống giặc xâm lược, giải quyết được tư tưởng sợ Mỹ. Sau trận đánh Mỹ của du kích xã Kỳ Sanh, nhiều xã lân cận phát động phong trào học tập đánh chốt, diệt càn của du kích Kỳ Sanh. Đồng chí Lê Văn Tâm, người trực tiếp chỉ huy trận đánh được củ được dự hội nghị Báo cáo điển hình và phổ biến kinh nghiệm đánh Mỹ trong lực lượng du kích toàn miền Nam. Tại Hội nghị này đồng chí Lê Văn Tâm đã đúc kết kinh nghiệm bằng một câu nói mộc mạc nhưng nổi tiếng lúc bấy giờ: “ Cứ tưởng đánh Mỹ khó, nhưng thực ra không khó! Bởi Mỹ to con lớn xác nên dễ bắn trúng…” (1). Tháng 5 năm 1968 đồng chí Lê Văn Tâm hi sinh trong một trận đánh với giặc Mỹ, ngày 6 tháng 11 năm 1978 đồng chí Lê Văn Tâm được chủ tịch Nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 3 tháng 8 năm 2011, UBND huyện Núi Thành lấy tên anh đặt cho ngôi trường THCS của xã Tam Mỹ Tây.
Trải qua 48 năm kể từ ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng, đến nay diện mạo xã Tam Mỹ Tây đã hoàn toàn đổi khác. Đường, trường, trạm , điện đã đáp ứng được nhu cầu của bà con nông dân. Những con đường trước đây “ nắng bụi, mưa lầy” , đã được thay vào đó là những tuyến đường thảm nhựa, bê tông rộng thoáng, thay cho những con cầu tre lắt lẻo là những cây bê tông, cốt thép nối hai bờ vui. Các cánh đồng với hệ thống mương nội đồng khép kín dẫn dòng nước trong xanh mát lành từ hồ chứa nước Đồng Nhơn về tưới cho từng cây lúa. Trường, trạm đạt chuẩn quốc gia, 100% hộ dân được sử dụng điện quốc gia. Nhà cửa ngày càng khang trang, đường làng sạch đẹp tất cả toát lên một cuộc sống thanh bình ấm no, hạnh phúc./.