Quý bạn đọc thân mến!
Bản Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong nhiều năm, chỉ được công bố một phần vào năm 1969, đã gây xúc động sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới. Đến năm 1989, Bộ Chính trị công bố toàn văn Di chúc của Bác, và một lần nữa làm đồng bào cả nước thổn thức trước muôn vàn tình thương mà Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Chắc hẳn nhiều bạn đọc đã từng đọc hoặc nghe một phần hay toàn bộ bản Di chúc của Bác. Tuy nhiên, khi đọc những bài phân tích của nhiều tác giả, nhà khoa học được thể hiện trong cuốn sách Giá trị nhân văn của Di chúc Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ càng hiểu sâu sắc hơn về nội dung, ý nghĩa và giá trị vượt thời gian của bản Di chúc Hồ Chí Minh. Sách dày 266 trang, in trên khổ 21 cm, do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 2010.
Theo Điều 624 Bộ Luật Dân sự năm 2015, Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Tuy nhiên, Di chúc Hồ Chí Minh rất đặc biệt, vì Bác không để lại tài sản (vật chất nói chung gồm tiền bạc, vàng, đất đai…) mà để lại lời căn dặn và tình yêu thương vô bờ của Người với toàn Đảng, toàn dân. Đó là một văn kiện lịch sử chỉ rõ những phương hướng cơ bản về quyết tâm chống Mỹ, cứu nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, về công tác quần chúng và phương hướng tiến lên của cách mạng Việt Nam. Di chúc Hồ Chí Minh có nhiều nội dung, trong đó quan trọng nhất có lẽ là nội dung về con người, thấm đượm tính nhân văn cao cả.
Di chúc Hồ Chí Minh là di chúc về con người, vì con người, cho con người. Bác quan tâm và để lại tình thương, lời căn dặn đối với đảng viên, cán bộ, đoàn viên, thanh niên, nông dân. Ngoài ra, con người trong Di chúc Hồ Chí Minh còn là “các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế”. Mối quan tâm hàng đầu của Bác thể hiện trong Di chúc chính là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta còn đang dang dở. Dù vậy, người tin chắc rằng nhân dân ta nhất định sẽ giành chiến thắng, sẽ xây dựng đất nước tươi đẹp hơn. Đoạn mở đầu Di chúc, Bác đã viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”. Sau đó, Bác lại tiếp tục nhiều lần khẳng định chúng ta sẽ giành thắng lợi hoàn toàn, Người nhấn mạnh:
“Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!”
Điểm nổi bật trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là sự tin tưởng vào con người, vào dân tộc, vào thế hệ trẻ, một niềm tin vững chắc vào sức mạnh, phẩm giá và tính sáng tạo của con người Việt Nam: “Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Hồ Chí Minh nghĩ đến con người, đến nhân dân trong khi bản thân sắp từ giã cõi đời. Trong tình cảnh ấy, Bác không có điều gì phải hối hận, mà “chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Bác luôn luyến tiếc vì không được chứng kiến ngày Bắc, Nam sum họp, đất nước hòa bình và “đi khắp hai miền Nam, Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng”, “thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”.
Bác luôn xem con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của cách mạng, coi xây dựng con người là chiến lược hàng đầu của việc xây dựng đất nước. Bác để lại lời căn dặn, những mục tiêu, chính sách cần thực hiện trong tương lai cho Đảng, Chính phủ và mỗi cán bộ Đảng viên. Sau khi thắng Mỹ, cần “miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”; đối với công tác Đảng, cần phải “thực hành dân chủ rộng rãi”, phải coi việc “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”, mỗi đảng viên cần phải “thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục, đào tạo thanh niên thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bác luôn quan tâm đến công tác bồi dưỡng thế hệ trẻ để phát triển đất nước mãi về sau: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Bác để lại cho đời là tình người và tư tưởng nhân văn cao cả: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể Bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Có lẽ chưa có di chúc nào như bản Di chúc của Hồ Chí Minh, một bản Di chúc nói về cả việc riêng và việc chung, cả việc hiện tại và lâu dài, việc trong nước và quốc tế một cách vừa cụ thể vừa bao quát với trách nhiệm và tầm nhìn sắc sảo, sâu rộng của vị lãnh tụ Đảng, của dân tộc Việt Nam. Tuy được viết cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng Di chúc vẫn mang giá trị nhân văn sâu sắc, đồng thời Di chúc Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam. Thân mời quý bạn đọc tìm đọc cuốn sách Giá trị nhân văn của Di chúc Hồ Chí Minh để hiểu thêm về tính nhân văn và ý nghĩa, tầm quan trọng của Di chúc Hồ Chí Minh. Cuốn sách có tại Thư viện huyện Núi Thành/.