Khoai lang ngày giáp hạt

Cái thuở đất nước với nền kinh tế cơ bản là nông nghiệp, khi cái Tết trôi qua là đến với những ngày giáp hạt. Đây là những ngày thiếu ăn dài dăng dẳng. Nó thường bắt đầu từ sau rằm tháng giêng cho đến hết tháng ba âm lịch mà ông cha ta thường hay gọi “ tháng ba ngày tám”.

                                                                                

Đó là lúc lúa ngoài đồng mới đẻ nhánh, phải đợi đến tháng Tư mới có lúa mới. Khi đó mọi thứ đã dồn hết vào Tết thì giờ là khoảng thời gian vô cùng thiếu đói. Tết xong là tranh thủ xuống đồng mò cỏ, bón phân cho lúa và lo thu hoạch khoai lang.                                                                                            Quê tôi vốn là một vùng cát trắng mênh mông, bời bời. Ngoài cánh đồng trũng nho nhỏ ven sông trồng lúa, còn lại là cát trắng. Cát mênh mông, phau phau, bời bời nhìn ngút tầm con mắt. Nên khoai lang là cây lương thực tốt cho các vùng đất cát khô hạnTừ vườn nhà ra nổng cát là đều trồng khoai lang. Khoai lang ngút ngàn, chỗ nào có đất trống là người ta lên vồng trồng khoai. Màu xanh khoai lang trải dài từ biển lên tận chân đồi,  “Em ở biển ngọn khoai trườn nỗng cát” ( Về thôi em-Dương Quang Anh). Khoai lang vùng cát “ ăn nước trời” nên vụ mùa của nó bắt đầu từ tháng Chín cho hết tháng Giêng âm lịch, ăn Tết xong là nhà nhà thu hoạch, khoai lang đem về đổ đống chiếm cả một góc nhà, người người tập trung thái lát phơi khô. Khi khoai lang khô người ta cho vào bồ, thùng, ghè, hủ… lu đậy kín và cũng không quên cho vào đó vài nhành lá tràm cũng đã được phơi khô để cho giữ cho khoai không bị mọt mà lại được mùi thơm. Nhờ thế mà trong những ngày giáp hạt lương thực chính của người dân quê tôi là khoai lang. Sáng, trưa,  chiều: Khoai,  kể cả hai bữa lỡ        “ nửa buổi và xế”  vẫn là  khoai. Tiếp đãi bà con, bạn bè,  khách xa đến thăm cũng là củ khoai lang. Sáng sớm điểm tâm khoai lang chấm với muối mè, muối đậu, có khi là muối ớt để ra đồng, đến trường học. Trưa khoai lang với tô canh rau tập tang nấu với con cá, con tôm, cái tép bắt được dưới sông, dưới ruộng. Đàn bà, con trẻ thường kéo nhau ra đồng hái tí rau, bắt vài con tép về ăn với khoai chờ qua ngày “cơm cao, gạo kém”… khi ngán ăn khoai lang tươi, thì đến khoai khô. Khoai lang xắt lát phơi khô đầu mùa thơm phức như ủ trong đó cái nắng mùa xuân. Nấu chín ngào đường là món thượng hạng không gì sánh bằng, nhưng cũng được đôi bữa chứ đường dạo ấy cũng thuộc diện “ quý hiếm” như gạo, đâu có để mà ăn nhiều bữa còn lại ăn với muối mè, muối đậu, cá biệt có nhà chấm với muối trắng. Tranh thủ những hôm nhàn rỗi hiếm có, những người “khéo tay, siêng làm” chế biến thêm món “khoai lang chà”, “khoai lang trụng”, bánh tráng khoai lang cho con ăn đỡ ngán. Đối với trẻ con đây là quà “tuyệt hảo” quý hơn cả bánh hộp bây giờ.                                                              Khoai lang không những hiện diện trong bữa ăn chính của gia đình mà nó còn nằm trong túi, cặp học trò đến trường, trong những chiếc giỏ tre của những người lên rừng đốt than, đốn cũi, cắt lá,  trên những chiếc thuyền con đánh cá trên dòng sông quê… Sáng ra đồng người ta không quên mang theo vài củ khoai lang chín để trên bờ ruộng.                                                                    

  Có lẽ trong ký ức của nhiều thế hệ vẫn chưa nguôi ngoai nỗi khắc khoải mùa giáp hạt, những ngày mong đợi ngày lúa mới đến. Thậm chí lúc ấy, có nhà phải bán lúa non cho con buôn ở thị trấn hoặc vay ít tiền hẹn đến ngày mùa sẽ trả để lấy ít gạo cho con ăn, đến trường. Xót xa nhất của nhà nông là phải bán lúa non khi không thể chờ đến mùa gặt.      Trong trong ký ức của thế hệ 7x trở về trước, thế hệ sinh ra trong chiến tranh, lớn lên trong những ngày đầu hòa bình với nền kinh tế bao cấp thì những ngày giáp hạt vẫn ở lại với không ít kỷ niệm bùi ngùi. Đó là những trưa đi học về, bụng đói meo, nồi còn nóng nguyên mà cơm đã hết. Lại những trưa nhà có khách, mẹ dặn trốn cửa sau chui qua bờ rào sang hàng xóm mượn đỡ gạo.                                                       

Giờ đây, cuộc sống từ thành thị đến nông thôn đã đổi thay nhiều, cảnh đói kém những ngày giáp hạt đã lùi xa vào dĩ vãng. Bóng những người đàn bà mò cua, bắt ốc trên đồng, những người đứa trẻ gầy gò cắp rổ tìm rau tập tàng, những người đàn ông khắc khổ bước vội trong trưa nắng… có lẽ sẽ chỉ ẩn hiện trong những giấc mơ hỗn độn và chắp vá trong những tâm hồn hoài cổ. Những ngày giao mùa, ta ngang qua chợ, thấy cảnh đong đầy, sầm uất. Hoa, quả đủ đầy cam, táo từ miền ngoài đưa về, xoài, bưởi từ miền Nam ra, hoa tươi đủ loại từ Đà Lạt xuống. Bên hàng rau, xen giữa bắp cải, xu hào, cà rốt là rau muống, mùng tơi mơn mởn…  Người trẻ bây giờ không còn biết “ mùa giáp hạt” là gì, học sinh trung học cũng không biết “ tháng ba, ngày tám” có nghĩa là chi mà hay mắc chứng biếng ăn. Nhìn bọn trẻ, người lớn sẽ nói “ngày xưa…”. Bọn trẻ thì không hiểu và không thích người lớn so sánh “ngày xưa…” cho đó là chuyện cổ tích nghìn đời của ông cha hay kể. Nhưng ai cũng hiểu, có “ngày xưa” để có “ngày hôm nay”. Nhớ về những ngày nghèo khó để mà vượt khó vươn lên, để hướng đến ngày mai tươi sáng hơn, giàu có, ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng hơn./.

 

 

 

                                               

 

 

Tin liên quan