Thể lệ Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023

Thể lệ Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023

THỂ LỆ

Cuộc thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ Ba, năm 2023

(ban hành kèm theo Kế hoạch 113 -KH/BTGTU, ngày 15/3/2023 

của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

CHƯƠNG 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, ý nghĩa

- Tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đời sống xã hội. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thông qua Cuộc thi, tiếp tục phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lực lượng, tiến tới hình thành mạng lưới rộng khắp bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.

- Nâng cao chất lượng các tác phẩm chính luận trên báo, tạp chí, phát thanh, truyền hình và mạng xã hội về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ, tuyên truyền, lan tỏa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào các nội dung của Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, các Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XIII của Đảng. Hình thành nguồn sản phẩm phong phú, có chất lượng, có tính chiến đấu cao phục vụ trực tiếp công tác tuyên truyền của các đơn vị trong và ngoài Học viện.

Điều 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng

1. Thể lệ này quy định mục đích, ý nghĩa, phạm vi, đối tượng áp dụng, tác giả, số lượng tác phẩm dự thi, tiêu chí xét chọn, cơ cấu giải thưởng, mức thưởng, hồ sơ, quy trình, thủ tục, Hội đồng Giám khảo và cách thức tổ chức Cuộc thi.

2. Để bảo đảm phạm vi nội dung, tính chất của Cuộc thi, các tác phẩm dự thi phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của Ban Tổ chức về chủ đề, hình thức thể hiện. Những tác phẩm không đáp ứng yêu cầu này sẽ bị loại ngay từ khi tiếp nhận, không đưa vào chấm thi.

3. Để kịp thời phục vụ trực tiếp công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các đơn vị trực thuộc Học viện sau khi nhận được tác phẩm dự thi của đơn vị mình, có thể chủ động công bố/đăng tải các tác phẩm có chất lượng tốt, nhưng khi gửi tác phẩm dự thi về Ban Tổ chức Cuộc thi cấp Học viện phải gửi kèm theo minh chứng công bố/đăng tải (photo bài viết đã đăng tải trên báo/tạp chí, hoặc bản in nguyên trạng từ trang báo/tạp chí điện tử kèm đường link và bản mềm, hoặc đường link, địa chỉ đăng tải các tác phẩm phát thanh/truyền hình/videoclip).

Sau khi nộp tác phẩm dự thi, các tác giả/nhóm tác giả cũng có thể công bố/đăng tải tác phẩm của mình trên các phương triện truyền thông đại chúng được cấp có thẩm quyền cấp phép nhưng phải báo cáo và cung cấp minh chứng kèm theo (như trên) về đơn vị đã thu nhận tác phẩm.

Việc cung cấp minh chứng công bố/đăng tải tác phẩm dự thi là căn cứ để Ban Tổ chức Cuộc thi xác định thời điểm công bố của tác phẩm dự thi (bảo đảm tính mới của tác phẩm) và tránh việc công bố/đăng tải tác phẩm dự thi nhiều lần.

CHƯƠNG II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về số lượng tác phẩm dự thi

- Với các tác phẩm dạng viết, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 02 tác phẩm tham gia dự thi: 01 bài viết chính luận loại hình Tạp chí (Tạp chí in hoặc Tạp chí điện tử) và 01 bài viết chính luận loại hình Báo (Báo in hoặc Báo điện tử).

- Với các tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh, mỗi tác giả/nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm dự thi: 01 tác phẩm loại hình báo nói (phát thanh); 01 tác phẩm loại hình báo hình (truyền hình) và 01 tác phẩm loại hình video clip.

Điều 4. Tiêu chí đối với tác phẩm dự thi

1. Về chủ đề, nội dung

Tác giả/nhóm tác giả xác định chủ đề tác phẩm theo các nhóm chủ đề tập trung vào những vấn đề cơ bản, trọng tâm, những vấn đề nổi lên về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay, như: giá trị khoa học, cách mạng và thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những đề xuất bổ sung, phát triển; chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; lý luận về đường lối đổi mới đất nước; mô hình phát triển của Việt Nam hiện nay với các giá trị nổi bật (kết hợp hài hòa giữa ổn định và phát triển, lấy con người làm trung tâm, “không ai bị bỏ lại phía sau”, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là sự tham gia của nhân dân); bảo vệ, vận dụng và phát triển lý luận của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; những nội dung cốt lõi, nội dung mới của Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết các Hội nghị Trung ương khoá XIII; bảo đảm an sinh xã hội, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội trên tất cả các lĩnh vực; tổng kết những kinh nghiệm quý, mô hình, cách làm hay và đề xuất giải pháp, kiến nghị nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch (có Phụ lục định hướng, gợi ý chủ đề kèm theo).

2. Về hình thức

Tác phẩm tham gia dự thi là tác phẩm chính luận bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc được dịch ra tiếng Việt) hoặc tiếng nước ngoài, thuộc một trong các loại hình: Tạp chí (in hoặc điện tử), Báo (in hoặc điện tử), phát thanh/truyền hình/video clip; bảo đảm quy định về hình thức sau đây:

2.1. Tạp chí

Tác phẩm được trình bày dưới dạng một bài viết chính luận trên tạp chí in hoặc tạp chí điện tử với các yêu cầu cụ thể như sau:

- Tên bài viết: viết hoa (chữ đậm).

- Ghi rõ loại hình bài viết: Tạp chí.

- Tóm tắt bài viết: không quá 150 từ, khoảng 10 dòng (in nghiêng).

- Từ khóa: gồm 3 đến 5 từ khóa.

- Dung lượng bài viết: Tối thiểu 4.000 từ – tối đa 6.000 từ (không tính chú thích và tài liệu tham khảo, thông tin tác giả). Bản in và file mềm bài viết định dạng A4, cỡ chữ 14, font Times New Roman, dãn cách 1,5; lề trên 2,5 cm; lề dưới 2,5 cm; lề trái 3 cm; lề phải 2 cm.

- Chú thích tài liệu trích dẫn: để ở cuối trang. Đối với sách báo tiếng Việt ghi rõ tác giả (năm), tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, tập số, trang trích dẫn. Đối với sách báo nước ngoài xuất bản bằng tiếng Việt thì sử dụng bản dịch ở lần xuất bản mới nhất. Tên sách và tên người nước ngoài đều viết bằng tiếng của nước đã xuất bản ấn phẩm, không phiên âm, chuyển ngữ hoặc dịch trừ những tên đã được Việt hóa (như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan,…). Nếu sử dụng nguồn tài liệu chưa được công bố trên sách báo hoặc chỉ được phép dùng hạn chế thì phải ghi rõ tên cơ quan quản lý tài liệu, ký hiệu tài liệu.

- Tài liệu tham khảo: xếp tên tác giả (nếu không xác định được tác giả thì xếp theo tên cơ quan hoặc tên tài liệu) theo A, B, C với gồm: Tên tác giả (năm), tên sách, nhà xuất bản, nơi xuất bản, tập số.

2.2. Báo viết

Tác phẩm được trình bày dưới dạng một bài báo chính luận trên báo in hoặc báo điện tử với các yêu cầu cụ thể như sau:

* Đối với báo in

- Tên bài viết: viết hoa (chữ đậm).

- Ghi rõ thể loại bài viết: Báo in

- Tóm tắt bài viết: không quá 150 từ, khoảng 10 dòng (in nghiêng).

- Một bài viết không quá 4.000 từ (không tính chú thích tài liệu, thông tin tác giả). Bản in và file mềm bài viết định dạng A4, cỡ chữ 14, font Times New Roman, dãn cách 1,5; lề trên 2,5 cm; lề dưới 2,5 cm; lề trái 3 cm; lề phải 2 cm.

- Chú thích tài liệu trích dẫn (nếu có): Trình bày như đối với bài Tạp chí.

* Đối với báo điện tử

- Tên bài viết: viết hoa (chữ đậm).

- Ghi rõ thể loại bài viết: Báo điện tử.

- Sapo: không quá 60 từ, khoảng 4 dòng (in nghiêng).

- Một bài viết không quá 2.000 từ (không tính chú thích tài liệu, thông tin tác giả). Bản in và file mềm bài viết định dạng A4, cỡ chữ 14, font Times New Roman, dãn cách 1,5; lề trên 2,5 cm; lề dưới 2,5 cm; lề trái 3 cm; lề phải 2 cm.

- Chú thích tài liệu trích dẫn (nếu có): Trình bày như đối với bài Tạp chí.

Với bài viết nhiều kỳ: không quá 03 kỳ, mỗi kỳ không quá 2.000 từ, mỗi kỳ kết cấu như một bài viết đọc lập.

2.3. Phát thanh, truyền hình

- Thể loại phát thanh: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (không quá 03 kỳ). Mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có độ dài tối đa không quá 30 phút, thể hiện được đặc trưng của báo phát thanh là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn.

- Thể loại truyền hình: Mỗi tác phẩm là một bài hoặc loạt bài chuyên luận, chuyên đề về cùng một chủ đề (mỗi loạt bài không quá 03 kỳ). Mỗi bài (hoặc mỗi kỳ trong loạt bài) có độ dài tối đa không quá 30 phút, thể hiện được đặc trưng của báo truyền hình là hình ảnh động, hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.

2.4. Video clip

Mỗi tác phẩm là một video clip hoặc loạt video clip về cùng một chủ đề chuyên luận, chuyên đề (mỗi loạt video clip không quá 03 kỳ). Mỗi video clip (hoặc mỗi kỳ trong loạt video clip) có độ dài tối đa không quá 05 phút, thể hiện được đặc trưng của thể loại video clip là hình ảnh động, hình ảnh phải đạt yêu cầu chất lượng.

* Lưu ý:

- Tác phẩm dự thi của các tác giả sẽ được tổ chức chấm kín, vì vậy đề nghị tác giả/nhóm tác giả cung cấp thông tin cá nhân ở một trang riêng đính kèm phía sau tác phẩm (đối với dạng viết) hoặc kịch bản văn học (đối với dạng âm thanh/hình ảnh/video clip). Không đặt thông tin của tác giả gắn với bất cứ nội dung nào của tác phẩm.

- Thông tin cá nhân gồm: Họ và tên, năm sinh, bút danh, chức danh khoa học, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, địa chỉ email và số tài khoản (kèm chi nhánh ngân hàng), mã số thuế cá nhân.

- Những tác phẩm không đáp ứng các quy định về nội dung và hình thức nêu trên bị coi là phạm quy (bị loại). Ban Tổ chức Cuộc thi không hoàn trả các tác phẩm phạm quy.

Điều 5. Ban Tổ chức Cuộc thi

1. Ban Tổ chức Cuộc thi do Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền ra quyết định thành lập, có nhiệm vụ tổ chức các hoạt động liên quan đến Cuộc thi.

2. Ban Tổ chức Cuộc thi sử dụng con dấu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động

3. Ban Tổ chức Cuộc thi được quyền sử dụng tác phẩm tham gia dự thi để công bố/đăng tải trên các phương tiện truyền thông và trên mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Điều 6. Đơn vị Thường trực Cuộc thi

Đơn vị Thường trực Cuộc thi là: Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Đơn vị Thường trực Cuộc thi có trách nhiệm:

1. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thể lệ Cuộc thi tới các đơn vị, cá nhân liên quan.

2. Là đầu mối nhận tác phẩm do các đơn vị, địa phương và cá nhân gửi về tham dự Cuộc thi cấp Trung ương.

3. Chủ trì, phối hợp tham mưu về nội dung và bảo đảm về cơ sở vật chất phục vụ quá trình làm việc của Ban Tổ chức cuộc thi và Hội đồng Giám khảo.

4. Phối hợp với các đơn vị liên quan huy động hợp pháp nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ, hỗ trợ cho quá trình tổ chức Cuộc thi. Phối hợp tổ chức quản lý và sử dụng nguồn tài trợ theo dự toán kinh phí của Cuộc thi bảo đảm các quy định về quản lý tài chính hiện hành.

5. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ trao giải Cuộc thi.

Điều 7. Hội đồng Giám khảo

1. Hội đồng Giám khảo gồm Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng Chung khảo do Ban Chỉ đạo Cuộc thi ra quyết định thành lập.

2. Giúp việc cho Hội đồng Giám khảo có Tổ giúp việc do Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi ra quyết định thành lập.

3. Hội đồng Giám khảo xây dựng tiêu chí và quy chế chấm thi phù hợp với yêu cầu của Cuộc thi và Luật Báo chí.

Điều 8. Lập hồ sơ dự thi

Hồ sơ dự thi do Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh và tương đương lập, gồm:

(1) Báo cáo tổng kết quá trình triển khai Cuộc thi ở tại cơ quan, đơn vị, địa phương (nêu rõ hình thức triển khai, tổng số tác phẩm dự thi thu được và số tác phẩm dự thi theo từng loại hình; số tác phẩm gửi dự thi ở cấp Trung ương).

(2) Danh sách tổng số tác phẩm dự thi đã thu nhận được (theo mẫu của Ban Tổ chức Cuộc thi - định dạng Microsoft Excel).

(3) Danh sách các tác phẩm gửi về dự thi cấp Trung ương (theo mẫu của Ban Tổ chức Cuộc thi - định dạng Microsoft Excel).

(4) Nội dung các tác phẩm dự thi:

- Mỗi tác phẩm dạng bài viết gửi bản in (khổ A4) và file mềm (định dạng Microsoft Word), kèm thông tin cá nhân.

- Mỗi tác phẩm dạng âm thanh, hình ảnh gửi file âm thanh/hình ảnh/clip và bản in kịch bản văn học (khổ A4, định dạng Microsoft Word), kèm thông tin cá nhân.

- Các tác phẩm đã công bố/đăng tải thì gửi kèm minh chứng (quy định tại Điều 2 thể lệ này).

Lưu ý: File mềm các tác phẩm dự thi lưu trữ trong USB/đĩa DVD gửi kèm hồ sơ dự thi qua đường bưu điện.

Điều 9. Phương thức, quy trình tổ chức chấm thi và xét giải thưởng

1. Phương thức, quy trình tổ chức chấm thi thực hiện theo mục 4, phần V Kế hoạch tổ chức Cuộc thi.

2. Ban Tổ chức Cuộc thi căn cứ kết quả triển khai Cuộc thi tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, kết quả tổ chức chấm thi để xét giải thưởng cho các cá nhân, tập thể, đề xuất Ban Chỉ đạo Cuộc thi quyết định.

Điều 10. Giải quyết khiếu nại và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả Cuộc thi. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ người khiếu nại, lý do khiếu nại và gửi về đơn vị Thường trực Cuộc thi.

Đơn vị Thường trực Cuộc thi có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Tổ chức Cuộc thi. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh.

2. Các tác phẩm tham dự thi nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí và các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức Cuộc thi sẽ thu hồi giải thưởng (nếu có), thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Bản Thể lệ này đã được Ban Chỉ đạo cuộc thi xem xét thông qua và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh điểm nào chưa hợp lý, Ban Tổ chức Cuộc thi tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Cuộc thi xem xét, sửa đổi cho phù hợp với thực tế./.

 

PHỤ LỤC

Định hướng chủ đề tác phẩm tham gia Cuộc thi

(Ban hành kèm theo Kế hoạch      -KH/BTGTU, ngày …/3/2023 

của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

 

Nhóm 1. Bảo vệ, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bao gồm các định hướng chủ đề sau đây: 

- Bảo vệ, khẳng định vai trò và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

- Khẳng định và cụ thể hóa những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các giá trị bền vững phù hợp với thực tiễn của Việt Nam; những vấn đề cần bổ sung, phát triển. 

- Nhận diện và đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng, ý nghĩa thời đại của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. 

Nhóm 2. Bảo vệ, lan tỏa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự nghiệp đổi mới, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay; nhận diện và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, bao gồm các định hướng chủ đề sau đây: 

- Phân tích làm rõ nội hàm mô hình, đặc trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam, 05 bài học kinh nghiệm, 10 mối quan hệ lớn được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề cập, gắn với đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị. 

- Hoàn thiện lý luận về đường lối đổi mới đất nước, gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc các vấn đề lý luận, thực tiễn về đường lối đổi mới đất nước. 

- Hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc các vấn đề lý luận, thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay. 

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kết hợp xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, cán bộ; gắn với đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc về vấn đề trên. 

- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam; gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về các vấn đề trên. 

- Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc lý luận, thực tiễn, kết quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

- Bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; phát huy mạnh mẽ bản sắc “ngoại giao cây tre” Việt Nam; gắn với đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về các vấn đề trên. 

- Nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu mới của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc”, “xã hội dân sự”, “tự do ngôn luận”, “tự do báo chí”, “an sinh xã hội”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang” để chống Đảng, Nhà nước. 

- Nhận diện, phê phán các biểu hiện lệch lạc, “lệch chuẩn” trong xã hội. 

- Kiến nghị hoàn thiện chính sách phát triển theo cách tiếp cận và yêu cầu mới là hình thành đồng bộ thể chế phát triển đất nước dựa chủ yếu vào nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy cao độ nhân tố con người là chủ thể phát triển, tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, thực hiện thành công mục tiêu trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI; gắn với nhận diện, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc về vấn đề trên. 

Nhóm 3. Thực tiễn, kinh nghiệm tổ chức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bao gồm các định hướng chủ đề sau đây: 

- Mối quan hệ giữa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ. 

- Mối quan hệ giữa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng với bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

- Những yếu tố tác động đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay. 

- Phương thức, giải pháp mới trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 

- Dựa vào Nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; huy động sự tham gia đông đảo của Nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. 

- Bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

- Đổi mới cơ chế, chính sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, phối hợp lực lượng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. 

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. 

- Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. 

- Thực tiễn, kinh nghiệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của các Đảng Cộng sản trên thế giới; kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản trong cuộc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng./.

-----

 

Tin liên quan