Núi Thành rộn ràng với lễ cầu ngư

Sau 2 năm vì dịch Covid-19 không dám tổ chức quy mô lớn, mùa xuân này được an lành nên ngư dân các xã ven biển huyện Núi Thành phấn khởi, nô nức tổ chức Lễ hội Cầu ngư, vốn được xem là lễ hội lớn nhất trong năm đối với người dân vùng biển, vừa tế ngư, vừa cầu mùa “ Trời yên biển lặng, thuận buồn xuôi gió tôm cá đầy khoang” đồng thời, khơi dậy ý thức tự hào và tinh thần trách nhiệm cộng đồng dân cư, tự nguyện giữ gìn và trao truyền cho thế hệ mai sau bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể ở vùng quê ven biển.

Huyện Núi Thành là địa phương có số lượng tàu thuyền nhiều nhất tỉnh Quảng Nam. Với 37km bờ biển trải dài qua 5 xã: Tam Tiến, Tam Hòa, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải. Tỷ lệ người dân sống nhờ biển cũng như các ngành nghề liên quan đến biển chiếm số đông, nên đối với người dân nơi đây, Lễ hội Cầu ngư là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần, tâm linh của họ. Những ngư dân “ ăn sóng, nói gió”, chân chất, mộc mạc, hiền hòa ở những nơi đây luôn tâm niệm: Lễ hội Cầu ngư là một trong những lễ hội truyền thống lâu đời, là một phần của cuộc sống tâm linh, là sản phẩm đặc trưng của ngư dân vùng biển. Có nhiều người do kế sinh nhai, mưu cầu cuộc sống đành phải làm ăn nơi xa, định cư vùng khác nhưng họ luôn nhớ ngày Hội cầu ngư ở làng mình và đến ngày họ về dự với bà con xóm làng, trước là thành tâm lễ bái, sau là vui chơi với Hội làng.         

           

 Trước đây, Lễ hội Cầu ngư ở Núi Thành được tổ chức đơn sơ theo từng làng chài.  Nhưng khoản mươi năm lại đây, được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là ngành văn hóa nên lễ Hội cầu Ngư hằng năm ở các làng chài đã phát huy đúng hướng, lành mạnh, vừa văn minh, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa địa phương, hình thức lễ hội ngày càng thể hiện được các nét đặc trưng văn hóa vùng biển với quy mô, hình thức và nhiều hoạt động phong phú. Từ đó, lễ hội được tổ chức hàng năm, trở thành hoạt động văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của cư dân; là sinh hoạt văn hóa, tinh thần không thể thiếu cùng với sự phát triển của địa phương. Số lượng người dự lễ, chơi hội ngày càng đông và vui hơn. Không những ngư dân trong làng trong xóm mà kể cả ngư dân toàn xã, những người nơi khác nghe tin cũng đều đến dự.                                      Năm 2008, Nghĩa địa Cá Ông ở làng chài Thuận An, xã Tam Hải được UBND Tỉnh Quảng Nam công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh. Đó là niềm tự hào vô cùng lớn của ngư dân ở đây, vì thế, việc bảo tồn và phát huy lễ hội là việc cấp thiết, quan trọng, góp phần bảo tồn các giá trị về tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, đồng thời đề cao giá trị gắn kết cộng đồng trong đời sống hiện đại.   Ngư dân Lê Văn Tiên, cho biết: “Từ 17 tuổi, tôi đã theo cha đi biển, đến nay đã mấy chục năm. Cuộc sống lênh đênh trên biển vô cùng vất vả và không ít lần, tôi ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết, bởi vậy, về mặt tâm lý, chúng tôi rất cần một điểm tựa. Đối với những người sống vì biển như chúng tôi thì cá Ông là thần hộ mệnh. Ngư dân chúng tôi tổ chức Lễ hội Cầu ngư cũng thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, cũng là để yên tâm bám biển, vươn khơi”.

Dù thời gian cứ mãi chảy, nhưng trong phần nghi lễ trong Lễ hội Cầu ngư  ở các làng chài Núi Thành vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống. Từ sáng sớm, nghi lễ rước Nghinh thần được diễn ra trang trọng trước biển do các cụ cao niên làm chủ lễ. Người dân địa phương trong các trang phục chỉnh tề, người cao tuổi áo dài, khăn đóng cùng đoàn hát bả trạo, đội kèn, trống, đội cờ tham gia đoàn rước kiệu Nghinh thần từ bờ biển về tại khu vực làm lễ chính. Tại sảnh lăng diễn ra lễ tế, các vị trưởng lễ cùng, người dân thành kính dâng hương các chư thần để cầu an, cầu ngư.

Phần hội được tổ chức với hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm tính dân gian của làng chài như: đan lưới, gánh cá, lắc thúng, trình diễn các mâm ẩm thực “Mâm thơm vị biển”; hát tuồng (trích đoạn), hô hội bài chòi; những môn thể thao vận động trên biển đua thuyền, bóng chuyền bãi biển..., tạo không khí vui tươi, náo nức trước khi bước vào vụ đánh bắt năm. Hoạt động của lễ hội thu hút đông đảo ngư dân và du khách tham gia.  

  Ngoài ra, tại đây bà con còn trao đổi thông tin thời sự về Hoàng sa, Trường Sa, bàn chuyện bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng thiêng của tổ quốc, nhắc nhở nhau đánh bắt đúng ngư trường và sẵn sàng ứng cứu tàu bạn khi gặp hoạn nạn trên khơi.                                                          Theo ông Nguyễn Văn Thanh, ngư dân Tam Tiến cho biết: “Lễ hội Cầu ngư không chỉ thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu mong trời yên biển lặng, tàu thuyền được thuận buồm xuôi gió, mùa màng bội thu, cuộc sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc, mà còn là dịp để tuyên truyền, quảng bá, tạo điểm nhấn về hoạt động văn hóa - lễ hội. Lễ hội cũng đề cao giá trị cố kết cộng đồng trong đời sống hiện đại, điểm hẹn văn hóa đặc sắc cho du khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương”.    Anh Trần Văn An, một du khách trong ngày Lễ hội Cầu ngư ở làng Thuận An chia sẻ: “Gia đình tôi du Xuân về Tam Hải để thưởng lãm danh thắng Bàn Than- Hòn Mang may mắn gặp được tham dự Lễ hội Cầu ngư ở đây. Thật là cảm xúc khi thấy một lễ hội đầy sắc màu. Tìm hiểu sâu hơn, tôi được biết, đây là lễ hội văn hóa truyền thống độc đáo của ngư dân vùng biển của Việt Nam. Qua lễ hội, chúng tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống của địa phương. Tôi nghĩ rằng, các lễ hội như thế này sẽ thu hút được nhiều khách du lịch đến với Bàn Than, Tam Hải ”.                                                                                                          

 Theo ông Huỳnh Văn Cường, Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Núi Thành, lễ hội cầu ngư là một lễ hội đặc sắc của cư dân vùng biển huyện Núi Thành, vừa thể hiện yếu tố tâm linh vừa tạo nên tinh thần gắn kết cộng đồng. Lễ hội giúp bà con ngư dân đoàn kết nhau hơn trong cuộc sống thường ngày và trong đánh bắt hải sản trên biển. Qua lễ hội cầu ngư, bà con ngư dân các làng biển huyện Núi Thành phấn khởi bước vào vụ khai thác hải sản mới với niềm tin mưa thuận, gió hòa, trời yên, biển lặn, tôm cá đầy khoang như mong muốn từ lễ hội cầu ngư đầu xuân Quý Mão 2023. Và trong thời gian đến chúng tôi sẽ cố gắn kết hợp Lễ hội cầu ngư ở các vùng ven biển trong huyện với phát triển du lịch. 

 

 

Tin liên quan