Mùa soi ếch quê tôi

Tuổi thơ, tôi sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ ở ven sông giữa nguồn nước từ Cống Đá đến cầu An Tân, gọi là sông Đình. Dân trong làng toàn là nông dân nghèo nên chỉ có độc nhất một ngôi nhà thờ họ Nguyễn, thường gọi là nhà xã Khiết, mái ngói hướng ra bờ sông, hơi nhích lên phía núi Hòn Bà. Nhà cửa còn lại trong xóm là nhà tranh.

    

Chung quanh xóm trồng dừa, tre, cau, chuối, đặc biệt là dừa nước mọc đầy không hàng lối để chắn nước mặn ven sông. Đường sá toàn là cát, mùa mưa đi chân đất vẫn sạch sẽ chứ không dính đất như vùng núi Tây Nguyên. Đường ven ruộng đất bùn nhầy nhụa, trơn trợt mỗi khi trời mưa. Muốn đến tỉnh lỵ (Tam Kỳ) trên 30km nhưng phải đi bộ. Ngoài ra, không còn phương tiện nào khác, thỉnh thoảng có độc nhất một cái xe chạy bằng than của ông già Thạch. Di chuyển trong làng thường  đi bộ không có ai sắm nổi xe đạp. Làng có hai con lộ: Lộ Trước gọi là đường qua xóm Dệnh và Lộ sau gọi là đường Cây Cừa. Lộ đi xóm Dệnh toàn là cát, mùa nắng nóng phỏng chân; đường Cây Cừa đi theo bờ sông men theo bờ ruộng lúa nhưng cũng chỉ đi bộ được thôi, vì đường nhỏ lại đứt từng đoạn. Hai con lộ đều dùng trâu kéo cộ còn người vận chuyển nông cụ hoặc sản phẩm đều dùng đôi vai để gánh. Những năm trước 1975, có vài người mua sắm xe đạp và có xe Honda phía thị trấn An Tân chạy đến. Mỗi khi nghe tiếng xe máy, bọn trẻ con kéo nhau hướng mắt ra xem. Lắm khi những anh chàng cao-bồi phải tắm ao bất đắc dỉ vì đường thì gồ ghề, cong queo mà người cầm lái thì cao hứng phóng nhanh làm “oách” nên phải tắm ruộng tắm ao là chuyện thường. Đèn thắp sáng trong mỗi nhà chỉ là đèn dầu. Khá giả hơn chút thì đèn măng-song nhưng chỉ dùng trong những ngày lễ, tết. Truyền hình thì cả làng chỉ có vài ba cái trắng đen xài bằng ắc-quy. Bây giờ thì khác xưa nhiều. Chợ làng lúc bấy giờ họp mỗi sáng từ khoảng 6 đến 9 giờ ở trảng cát trống phía ngoài xóm, vì vậy mạnh ai có gì dư thừa không cần dùng đều mang ra mà bán rồi mua lại món khác cần hơn. Thường thì là tép, cá, rau cải, mắm, ớt, gà vịt, ếch nhái, trứng,.. rất ít khi có thịt thà, trừ gần tết, vì dân nghèo làm sao mua nổi. Nhiều nhất vẫn là tép, cá đồng, ếch vì vùng ruộng rất dể kiếm! 

Quê tôi là xứ ruộng vườn nên cá, cua, ốc, ếch là thức ăn thường ngày của mọi gia đình.  Bắt cá thì có nhiều cách bằng thủ công, như cắm câu, giăng câu, giăng lưới, tác đìa, móc hang, đặt lờ… Thích thú nhất và dễ nhất là bắt ốc và tép với ếch đồng. 

Bọn trẻ chúng tôi thích thú nhất là đến mùa bắt ếch. Ruộng lúa vừa gặt xong, chỉ còn trơ gốc rạ, sau vài trận mưa đầu mùa, ruộng bắt đầu ướt, những chỗ trũng lấp xấp nước, cũng là lúc bắt đầu mùa soi ếch đồng. Mỗi tối khi đỏ đèn thì ngoài ruộng tiếng ếch nhái bắt đầu kêu râm rang như một điệu nhạc êm dịu nghe vui tai không thể thiếu ở miền nông thôn. Những ai không quen với cảnh đêm tịch mịch ở quê thì nhất định sẽ nghe buồn … não ruột. Đêm không trăng tối đen mịt mù như vô tận. Trong nhà, trẻ con đang ngồi học bài bên ánh đèn dầu thỉnh thoảng bị gió thổi làm chao đảo bóng đen trên vách lá. Ngoài ruộng, vài ánh đèn đi tới đi lui, khi ẩn khi hiện của những người soi ếch. Đến nay quê tôi không còn cảnh soi ếch như xưa. 

Lúc tôi còn học trường làng, mỗi khi đầu mùa mưa là chúng tôi phải chuẩn bị dụng cụ để đi soi ếch. Khi soi ếch, chúng tôi cũng mang theo con dao nhọn cán dài dắt sau lưng để chém rắn nữa. Chúng tôi thường dùng cây ba-nha, tức là cái lưỡi lê dài của lính Pháp thời xưa là tốt nhất. Thường thì khoảng 7 đến 9 giờ tối là chúng tôi bắt đầu đi ra ruộng soi ếch. Chúng tôi tới nhà từng đứa bạn rồi rủ nhau đi một lược. Khi đi đến chỗ soi đã định trước thì chúng tôi đốt đèn lu lu vừa thấy đường để bước thôi. Tới đích điểm soi mới cho đèn cháy sáng hơn. Những anh chị ếch đang hứng sương thấy đèn sáng quay lại nhìn là bị chói mắt, thế là chúng bị chúng tôi tóm cổ bỏ vô giỏ. 

Cái giống ếch cũng khá lạ, ban ngày có thể chui rúc sâu trong hang hoặc ẩn mình dưới nước, nhưng đêm về- nhất là những đêm sau mưa thì chúng lên bờ tất tật. Khi trời mưa lớn, ếch không bao giờ xuất hiện mà mọp dưới tán lá cỏ hay xó hóc nào đó, chờ hết mưa là lập tức nhảy ra chiếm địa bàn.

Chỗ ếch ngồi phải thoáng, thường là những chỗ đất trống ven bờ nước hoặc các mô đất có địa thế làm chỗ dựa. Ban đầu chúng nhảy ra chủ yếu là để kiếm mồi như trùn, dế, sâu bọ… cho no bụng cái đã. Sau đó mới ồm ộp kêu gọi bạn tình. Nếu là giống chim cút, sẽ là cút mái gầm, cút trống theo; còn giống ếch hoàn toàn ngược lại- ếch đực kêu, ếch cái tìm đến. Ếch cái thường to hơn ếch đực rất nhiều, dưới cổ chỉ toàn một lớp da trắng. Ếch đực nhỏ hơn nhưng dưới cổ bao giờ cũng có cái bớt đen và lớp da mỏng, khi nó kêu lớp da này phình ra tóp vô như cái bong bóng vậy. Đó là điểm phân biệt đâu là ếch đực và đâu là ếch cái. Khi ếch bắt cặp, ếch cái thường cõng ếch đực bò ra mé nước, vì cái giống ếch luôn luôn vừa bắt cặp vừa đẻ trứng như thế. Đôi khi anh chị đang mặn nồng chúng tôi cũng không tha! Không riêng gì anh em nhà tôi, mà bà con trong xã cũng nhiều người soi bắt ếch. Ếch bắt về ăn cũng có mà bán cũng có. Tôi còn nhớ mãi câu hát rao bán ếch ngày xưa: “Trời mưa bong bóng phập phồng/ Chồng em cực khổ ra đồng gió mưa/ Soi đèn bắt ếch say sưa/ Bà con cô bác giùm mua mở hàng”! Vì lúc đó chúng tôi khoảng 11,12 tuổi nên thường đi soi chung thành một tốp để khỏi sợ bị lạc. 

Ba tôi hay dặn là nếu có lạc đường thì cứ việc đi ngược cọng rạ là về được tới nhà. Lớn lên tôi mới biết tại sao đi ngược cọng rạ lại về nhà được là vì mùa đó, gió thổi từ sông vào nên rạ ngã theo chiều gió. Nhà tôi ở gần sông nên đi ngược cọng rạ tức là đi hướng về nhà. Mỗi lần soi ếch kéo dài từ 9, 10 giờ đêm đến 3, 4 giờ sáng. Hôm nào trúng thì đầy một thùng ếch, mang xệ vai luôn. Đi về trên đường, nhái kêu ọp-ẹp nghe sướng lỗ tai. Ếch thường dễ bị sẩy (trật) nếu không đậy kín miệng giỏ. Thịt ếch ăn rất ngon, ngon hơn thịt gà nhiều. Má tôi thường kho thịt ếch với nước cốt dừa, ăn cơm ngon miệng vô cùng. Nhưng tôi thích nhất là ếch um lá sả. Nước cốt dừa béo béo, thịt ếch ngọt, thêm lá sả có vị thơm thơm  bùi bùi, thiệt . . . không còn gì ngon bằng. Bây giờ nhớ lại thấy nước miếng mình như muốn trào ra; nhưng tìm đâu có được!

                                                                             

Tin liên quan