Đó là những ngày se lạnh, thi thoảng lất phất vài cơn mưa phùn vào mỗi sáng sớm và lúc chiều chạng vạng. Cánh đồng làng, đầu tháng Chạp là một màu đen sâm sẩm của bùn trải dài vừa mới được cày lật, bung lên để chuẩn bị cho mùa cấy mới. Mươi ngày, nửa tháng toàn cánh đồng được phủ lên màu xanh mịn màng của lúa non. Theo hướng xa xa về phía núi, những gò ruộng bậc cao là các vạt khoai lang, đậu phộng, bí, bầu… với một màu xanh thẫm. Một vùng quê thanh bình với hình ảnh đặc trưng vốn có nghìn đời bình dị của ruộng lúa, vồng khoai, nương sắn, lũy tre ngày đêm êm ả.
Bọn trẻ con trong làng, một buổi tung tăng cắp sách, vở đến trường một buổi ra đồng phụ giúp mẹ cha. Vào tháng Chạp mẹ tôi cũng như bao người khác phải lo toan hối hả với bao công việc để chạy đua với thời gian “ Năm hết Tết đến”. Chưa kể nếu trong năm có thiên tai bão, lũ bất thường xảy ra khiến cho mùa màng thất bát thì cảnh túng thiếu thường lại dồn tụ vào những ngày cuối năm “gạo tháng Giêng, tiền tháng Chạp”. Nhu cầu sắm sửa cho ba ngày Tết lại đè nặng thêm lên đôi vai người làng. Người ta bảo nhau “ Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết” nên nhà ai cũng cố lo cho ba ngày Tết được rôm rả, có đầy đủ thịt, bánh, dưa hành…
Thường tháng Chạp mây mù trời rét nhẹ, mưa phùn bay bay nhưng thỉnh thoảng cũng có năm rét đậm mưa to, có năm lại trời quang mây tạnh,nắng vàng trải nhẹ, trời xanh, mây trắng lững lờ trôi từng vạt mỏng, nhỏ, cánh én từ đảo xa bay về chao nghiêng, liệng cánh như báo hiệu cho một mùa xuân đẹp đẽ đang đến với bao hi vọng cho một vụ mùa tốt tươi. Trong nắng sớm, màn sương mỏng chưa kịp tan lung linh như ngọc trên các cành lá xanh tươi. Những ngọn khoai, ruộng lúa bắt đầu vươn mình trong nắng ấm. Dân làng cầu chúc mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu để đời sống dân làng ấm no, hạnh phúc.
Tháng chạp ở quê, sau khi ổn định mùa màng nhà nhà, người người cùng rủ nhau chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, sạch sẽ, khang trang, treo cờ, khẩu hiệu mừng xuân, đón Tết. Đường làng được khách khen đẹp là cả sự tự hào của người dân. Những bờ rào xanh, nhất là hàng cây xanh từ cổng vào sân của từng nhà được sửa sang, cắt xén thẳng thắn, ngay ngắn trông thật đẹp mắt và nên thơ.
Tháng Chạp về, trẻ con trong làng được mẹ dắt đi chợ Tết. Con đường quen thuộc hằng ngày giờ trở nên gần hơn, vui hơn với bao điều kỳ diệu đối với tuổi thơ. Hòa trong đoàn người ra chợ, dù quen hay lạ ai nấy đều thân thiện, vui tươi, hớn hở. Chợ Tết đông người đến, hàng hóa được trưng bày chen lấn cả lối đi. Người đâu mà lắm, hàng hóa đâu mà nhiều và đẹp thế. Lời người mua kẻ bán ồn ả như ong vỡ tổ. Người lớn thì suy nghĩ, trăn trở mua gì, với giá tiền bao nhiêu cho đủ…còn trẻ con thì luôn vui tươi như hoa ngày Tết khi được mẹ mua co bộ quần áo mới hay đôi dép, đôi giày để diện Tết.
Cuối tháng Chạp những ngày giáp Tết nhà nhà trong làng làm bánh, với những tiếng chày giã bột, tiếng dện ép bánh nổ, tiếng gõ khuôn bánh in cùng mùi đường nấu, mùi bánh nướng tỏa ra khắp không gian làng... Sáng ba mươi tiếng heo kêu “ eng éc” vang lừng, heo mổ xong, thịt ra từng khổ là lúc mẹ bắt đầu gói bánh chưng, bánh tét. Từng cái bánh chưng, từng đòn bánh tét được mẹ xếp ngay ngắn trong cái nồi lớn và nhấc lên bếp được kê từ ba viên đá núi vuông vức, nấu cho đến gần giao thừa là vớt ra cúng ông bà, tổ tiên.
Tháng Chạp ở làng, ngàn năm mây trắng, nhìn khói bếp tỏa, nghe tiếng lợn kêu “ eng éc” ngày cuối năm nhiều hay ít là biết được sự no đủ đầy hay thất bát của năm qua. Ôi nhớ vô cùng tháng Chạp ký ức tuổi thơ ở làng…
Chiều nay, Tháng Chạp cánh đồng làng dài theo sợi mưa bay bay, cỏ biếc xanh tràn bờ ước mơ, có một thứ gì lâng lâng, xôn xao khó nói bằng lời. Sương khói chùng chình trên mái bếp, trong làn khói lam nhè nhẹ tỏa lên chút gì đó rạo rực trong tôi. Tôi hít căng lồng ngực cái mùi thơm nồng ngày Tết. Tháng Chạp ấu thơ, trong veo ký ức, kể đến bao giờ cho nguôi ngoai?
Những miền nhớ hoang hoải của ký ức tháng Chạp xô tôi đi mãi như một giấc mơ đẹp trôi về miền ký ức xanh.