Tôn sư và trọng đạo gắn bó chặt chẽ với nhau.Trọng đạo nghĩa là coi trọng đạo lí làm người. Đạo ở đây là phải biết ơn tổ tiên, tôn kính ông bà, kính trên nhường dưới, hiếu để cha mẹ, anh em. Biết đoàn kết với cộng đồng, biết thương người như thể thương thân. Biết tôn trọng kỉ cương, phép nước. Người xưa đề cao đạo lí thánh hiền, người học thì ra sức dùi mài kinh sử; gia đình, họ hàng, làng xóm thì ra sức động viên tạo mọi điều kiện cho người học. Còn Nhà nước ở thời kỳ nào cũng vậy hết sức coi trọng việc học, sử dụng và đãi ngộ rất cao đối với người thi đỗ. Đó là động cơ mạnh mẽ khiến người ta ham học, vượt mọi khó khăn để học.
Truyền thống trọng đạo của dân tộc ta hình thành và phát triển ngày một sâu rộng chính là do tác động của những yêu tố nêu trên.
Nhưng muốn học để thấu hiểu đạo lí con người không phải chỉ tự học, mà cần phải có người chỉ đường, người khai sáng, người dạy nghĩa là phải có thầy.
Thầy là người nắm vững đạo lí, có tri thức, hiểu sâu, biết rộng có sứ mệnh truyền thụ lại cho người học. Bởi vậy đã trọng đạo thì phải tôn sư. Trong xã hội xưa vị trí của người thầy đã được đặt rất cao: Quân- Sư - Phụ. Trong làng xã người thầy là chỗ dựa tinh thần của người dân. Mọi chuyện vui buồn hiếu hỉ, tâm tình… người ta thường đến xin ý kiến người thầy.
Tôn sư bởi lẽ người thầy đã thực hiện một nhân sứ cao cả là “ Khai tâm - mở trí” cho con người. Qua đây mới thầy chức năng của người thầy thật là cao siêu, thầy chính là người sinh ra phần “hồn” của con người, thầy chính là người cứu chữa cho những tâm hồn bệnh tật, khai sáng cho trí tuệ, người thầy không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn giáo dục cho người học bằng cả nhân cách của chính mình. Nhân cách của người thầy có ý nghĩa cực kì to lớn, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục. Chính vì lẽ đó mà người thầy phải là “ Khuôn vàng ,thước ngọc”. Người thầy không được lệch lạc trong lời ăn tiếng nói, trong hành vi, cử chỉ …
Vậy “Tôn sư” chính là do người thầy tạo nên, do tài năng, trí tuệ, phẩm chất, đức độ của người thầy toát ra làm cho người ngoài thấy mà ngưỡng mộ, tôn kính.Đó chính là “ hữu xạ tự nhiên hương”.
Như thế “tôn sư” không phải do người thầy đòi hỏi cộng đồng, xã hội phải làm mà do xã hội tạo nên cho người thầy. Không có một người thầy nào trực tiếp dạy học trò của mình là phải “ biết ơn thầy cô giáo” mà sự biết ơn đó là chính do người học cảm nhận qua người thầy.
Trong lịch sử nước nhà biết bao tấm gương nhà giáo thanh cao hết lòng vì học trò, vì đất nước. Không ai có thể quên hành động dũng cảm của nhà giáo Chu Văn An, đang làm quan tại triều đình, thấy chính sự bại hoại, ông đã dâng sớ “ Thất trảm” lên nhà Vua xin chém đầu 7 tên gian thần. Vua không nghe, bèn từ quan về ở ẩn, dù cho đang ở địa vị quyền lực cao trong triều đình. Thầy sẵn sàng rũ áo từ quan không thèm danh lợi, không chút vấn vương chốn triều đình mục nát vì lẽ không chấp nhận cách sống trái với lương tâm. Thầy đã để lại cho đời sau một tấm gương sáng về đạo đức người làm thầy và được dân tộc tôn là “ Người thầy của muôn đời”.
Để truyền thống Tôn sư trong đạo mãi mãi tươi sáng trong lòng dân tộc. Ngày nay người thầy phải không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực. Người thầy phải có một thế giới quan khoa học đúng đắn; người thầy phải được đào tạo một cách có hệ thống, có trình độ về học vấn, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm một cách toàn diện và vững vàng, tinh thông về lĩnh vực chuyên môn mà mình giảng dạy, đồng thời phải có trình độ nhất định về các môn khoa học cơ bản, khoa học công nghệ ứng dụng, kĩ thuật và khoa học xã hội nhân văn
Người thầy phải có năng lực chọn lọc các tri thức cơ bản, hiện đại thực tiễn, phù hợp với phương pháp giáo dục của bậc học, để có chuyển tải nội dung môn học tới học sinh một cách hấp dẫn; người thầy giáo ngày nay phải có nhu cầu và năng lực không ngừng tự hoàn thiện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ , không ngừng cập nhật các tri thức khoa học, kĩ thuật công nghệ và giáo dục hiện đại, theo kịp các bước tiến khoa học, đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn đặt ra cho sự nghiệp giáo dục. Người thầy giáo phải là con người khoẻ mạnh về thể chất và tinh thần để thể hiện một con người năng động , hoạt bát, vui tươi, cởi mở, tế nhị và cương trực; người thầy phải có cuộc sống lành mạnh, phong phú, có văn hoá, biết tôn trọng pháp luật, tôn trọng dư luận và có lòng tự trọng cao, có lối sống lành mạnh, hiện đại được hình thành trên cơ sở một hệ thống chuẩn mực hành vi và thế giới quan đúng đắn. Trên nền tảng đó người thầy giáo mới có đủ sức, bản lĩnh để đứng vững trước những biến động của cuộc sống , hạn chế được những ảnh hưởng của mặt cơ chế thị trường.